Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tuy việc mua bán sáp nhập các dự án đã có từ trước, nhưng sôi động nhất vẫn là từ đầu năm 2013 đến nay.
Theo đánh giá của HoREA, từ đầu quý III/2013, thị trường sẽ ghi nhận những chuyển động mua bán sáp nhập và xu hướng này sẽ tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm. Một số vụ mua bán sáp nhập lớn như Vingroup chuyển nhượng và bàn giao Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn Vincom Center A Tp.HCM cho CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD) đã phát đi thông điệp về xu hướng này.
Hay việc chủ đầu tư khu đất trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận đang nỗ lực mời gọi nhà đầu tư tham gia vào dự án phức hợp thương mại và căn hộ Saigon Link. Cty CP Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI) cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư, để hợp tác phát triển hai dự án phức hợp và căn hộ tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Đây là 2 dự án từng được PPI quyết định đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, khi thị trường BĐS gặp khó khăn thì DN này đã kiếm đối tác chia sẻ rủi ro.
Ở phân khúc căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng, thời gian qua thị trường đã chứng kiến sự chào bán ồ ạt nhiều dự án tại các quận xa khu trung tâm như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, quận 12, quận Nhà Bè (giáp quận 7)... Sau khi chuyển nhượng dự án, chủ đầu tư mới tiếp tục hoàn tất khối lượng xây dựng dở dang và chào bán ra thị trường. Còn trong lĩnh vực BĐS cho thuê, trường hợp điển hình là Công ty Mapletree Investments thuộc Tập đoàn Temasek Holding (Singapore) đã mua lại tòa tháp Centre Point (quận Phú Nhuận) với tổng diện tích sàn hơn 38.600 m2.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch HoREA cho biết, tuy việc mua bán sáp nhập các dự án đã có từ trước, nhưng sôi động nhất vẫn là từ đầu năm 2013 đến nay. Các chủ đầu tư ban đầu “ôm” dự án, nhưng không “gồng” nổi đến khi dự án hoàn thành, đành phải chuyển nhượng hay kêu gọi góp vốn để hoàn chỉnh dự án. Như vậy, đây có thể coi là một trong những chuyển động tích cực, góp phần làm ấm thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, HoREA cũng lưu ý những điều chỉnh từ các thành viên thị trường, thông qua việc các DN BĐS TP.HCM đang cơ cấu lại quy mô căn hộ, xin chuyển công năng dự án, giảm giá bán, thậm chí chấp nhận bán lỗ để tăng thanh khoản, hỗ trợ lãi suất cho người mua hay kéo dài thời gian thanh toán… để thoát hàng. Thị trường cũng ghi nhận tác động tích cực từ việc ưu đãi thuế theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN đã được thông qua.
Theo đó, từ 1/7/2013 sẽ áp dụng thuế suất 5% đối với giao dịch bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, Luật cũng cho phép giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ ngày 1/7/2013. Những thay đổi này được cho là sẽ tạo điều kiện cho người dân có thu nhập trung bình và thấp có thể mua được nhà, đồng thời góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho.
Tại TP.HCM, sau hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS từ cấp vĩ mô, thị trường đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Các DN đã bán được trên 2.000 căn hộ, giảm 14% lượng hàng tồn kho so với cuối năm 2012.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, để thị trường BĐS chuyển biến nhanh hơn, tổ chức này đang kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình đề án về việc cho Việt kiều được mua nhà như người Việt trong nước và mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước mắt, xem xét cho người nước ngoài được mua biệt thự hoặc căn hộ hạng sang để không cạnh tranh với đông đảo người thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước.
Theo Thoibaonganhang