Sức mua bất động sản tại Tp.HCM đang tăng nhiệt nhờ hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Ảnh: Đình Sơn
Chỉ hơn 2 năm, số vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng đô thị ở khu vực phía tây và đông sông Sài Gòn đã lên đến hàng chục tỉ USD, đưa 2 bên bờ sông này trở thành đối trọng với khu Nam vốn đã sốt hàng chục năm nay. Thậm chí, các chuyên gia còn đánh giá những khu vực này còn có nhiều lợi thế hơn nhờ vị trí gần trung tâm. Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Nam Đỗ Văn Mạnh nhận định: Thị trường tại khu vực này hiện nay đang phát triển nhất ở Tp.HCM nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ sự đồng bộ, hiện đại của hệ thống hạ tầng.
Kể từ khi khởi công tuyến metro, đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng xa lộ Hà Nội, thông xe công trình cầu Sài Gòn 2... thì số lượng bất động sản được giao dịch tại đây cũng tăng vọt. Điển hình là sự kiện ra mắt quần thể The Landmark nằm trong dự án Vinhomes Central Park của Tập đoàn Vingroup mới đây đã thu hút hàng ngàn khách hàng cũng như đầu tư tham gia.
Bà Thi, một lãnh đạo của công ty bất động sản cho hay, sở dĩ The Landmark có sức hút mạnh mẽ, thậm chí, có những khách còn chấp nhận trả tiền chênh để được sở hữu một không gian sống tại đây là nhờ lợi thế về vị trí và uy tín của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó còn phải kể đến các dự án như: Sala ở quận 2 do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, dù đến giữa tháng 6 này mới chính thức mở bán nhưng đã có tới 700 khách hàng đăng ký mua; SaigonRes Plaza nằm trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh đang được phân phối độc quyền bởi Đất Xanh Miền Nam với giá 1,59 tỉ đồng/căn 71m2 cũng đã có số lượng người đăng ký mua vượt quá số căn của dự án dù chưa chính thức mở bán; Masteri Thảo Điền Công ty CP đầu tư Thảo Điền hay như các dự án của Novaland, Khang Điền... đều nhận được sự giao dịch hết sức khả quan.
Theo các chuyên gia, bất động sản khu đông - tây sông Sài Gòn đang thực sự nổi sóng và nó đã được các môi giới cũng như sàn giao dịch tận dụng để "kích" sức mua ở những khu khác. Thực tế, thông tin bất động sản đang tăng giá và nếu khách hàng không mua sớm thì sẽ mất cơ hội đang được nhiều sàn đưa ra để đẩy hàng.
Anh Luân, một khách hàng đang lên kế hoạch mua nhà ở Tp.HCM đã tỏ ra khá lo lắng trước thông tin tăng giá bán bất động sản. Bởi, khi tìm hiểu thông tin về một số dự án ở quận 8, các nhân viên môi giới đều nói với anh rằng giá nhà đất đang tăng mạnh, có những dự án sẽ tăng lên 10% so với năm 2014 và chưa dừng lại ở mức này. Vì vậy, nếu không nhanh chóng mua thì sau này khó có cơ hội để mua được nhà giá rẻ. Điều đó đã đưa đến cho anh Luân một suy nghĩ rằng, anh cần phải nhanh chóng đưa quyết định chứ cứ chờ đợi có khi lại không mua được nhà.
Cũng như anh Luân, chị Hằng, một khách hàng có nhu cầu mua căn hộ ở quận 2 cho biết: Chị chọn mua căn hộ ở một dự án nằm trên đại lộ Mai Chí Thọ và hẹn với nhân viên môi giới qua lễ 30/4 sẽ đến xem nhà. Song, nhân viên môi giới cảnh báo chị nên đặt cọc để giữ chỗ vì có rất nhiều khách hàng quan tâm và công ty sẽ không giữ căn hộ cho chị nếu không có đặt cọc và giá căn hộ có thể sẽ tăng trong những lần mở bán tiếp theo. Trước sự tư vấn của môi giới, chị Hằng đã rơi vào tâm lý sợ không còn hàng để mua và giá bán tăng nên đã đặt cọc ngay 20 triệu đồng để được giữ quyền chọn mua căn hộ.
Theo như sự thừa nhận từ một lãnh đạo của sàn môi giới bất động thì, thực tế đang có không ít sàn giao dịch lợi dụng hơi ấm của thị trường,đặc biệt là "sóng" ở các khu vực để “dọa” khách hàng. Hoàn toàn không có một làn sóng giá tăng hay sự khan hàng ở tất cả các dự án. Bởi như theo số liệu mà Savills đã đưa ra thì toàn TP hiện có khoảng 20.500 căn hộ đang được giao dịch trên thị trường. Chỉ trong quý I/2015 đã có khoảng 6.600 căn hộ đến từ 20 dự án được bung hàng. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn sản phẩm về nhà phố, biệt thự và đất nền cũng đang rầm rộ mở bán. Như vậy làm sao có thể nói thị trường khan hiếm nguồn cung dẫn đến sẽ giá tăng?
Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn Nguyễn Hữu Trí cũng đánh giá: Thị trường địa ốc đang ấm dần lên, các giao dịch tăng mạnh trong thời gian gần đây. Song, mới chừng đó thôi thì chưa đủ để có thể gọi là làn sóng mà nó chỉ diễn ra đối với các dự án vị trí tốt, đảm bảo về tiến độ và chủ đầu tư uy tín. “Giá chỉ tăng cục bộ ở một vài dự án, một vài khu vực chứ không có chuyện sốt như năm 2006 - 2007”, ông Trí cho biết thêm.
Năm 2015, thị trường địa ốc sẽ hồi phục vững chắc, các giao dịch cũng sẽ tăng mạnh. Nhưng chuyện tăng giá và sốt nóng như hồi 2007 là điều rất khó có thể xảy ra. Thực tế, đang có một số dự án tăng giá thực, nhưng tăng do tiến độ dự án. Cụ thể, bao giờ giá mở bán của một dự án ở giai đoạn đầu, khi đang làm móng, hạ tầng cũng sẽ rẻ hơn các đợt sau từ 1-2%. Đến thời điểm dự án gần hoàn thiện hoặc bàn giao nhà thì giá bán sẽ tăng thêm một chút. Mặt khác, khi việc lưu thông thuận tiện thì những dự án xung quanh các khu hạ tầng lớn như xa lộ Hà Nội hay cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây... tăng giá bán là điều đương nhiên.
Ông Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM
|