Giới đầu tư nước ngoài nhận định, tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam có rất lớn. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư băn khoăn trong việc đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại hội thảo quốc tế về đầu tư bất động sản du lịch 2009 (VnTPO 2009) được tổ chức tại TPHCM mới đây, vấn đề nhà đầu tư ngại nhất là giá đất tại các thành phố lớn của Việt Nam hiện quá cao so với một số nước trong khu vực... Nếu giá đất không hạ, cộng với tình hình tài chính khó khăn như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ ý định vào Việt Nam hoặc rút vốn về nước.
Tấm gương Phuket
Thị trường BĐS du lịch của Thái Lan tập trung chủ yếu vào những khu vực như Pattaya, Hua - Hin, Phuket và Samui. Trong đó nổi bật nhất là Phuket với một bề dày phát triển và nổi tiếng toàn cầu, có thể so sánh với khu vực Ca-ri-bê và Địa Trung Hải. Ban đầu, Phuket được biết đến nhiều với lượng khách lớn đến từ Hồng Kông và Singapore. Tuy nhiên, hiện nay địa điểm này đã trở nên nổi tiếng toàn cầu. Mọi việc bắt đầu từ năm 1980 khi sân bay Phuket đi vào hoạt động với công suất tiếp nhận hơn 300 chuyến quốc tế và nội địa hàng tuần, và đến năm 1988 Amanpuri là khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất tại khu vực này được ra mắt.
Trong thập kỷ 90, các khu nghỉ dưỡng khác bắt đầu phát triển tập trung tại phía bờ biển Tây Nam của Thái Lan như Patong, Karon và Kata. Ngày nay, Phuket có hơn 5.600 căn hộ và biệt thự đã đưa vào sử dụng cùng với hơn 650 khách sạn với tổng số hơn 38.000 phòng. Đồng thời, với 7 sân golf và 4 cảng du thuyền bao gồm 810 bến đỗ đã đón và đưa hơn 4.000 tàu thuyền trong năm 2008.
Rõ ràng, để thị trường Việt Nam có sức cạnh tranh tương tự với Thái Lan thì Phuket là một địa điểm đáng để nghiên cứu và so sánh. Phuket được như ngày nay là nhờ bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là nghiên cứu thị trường tốt, thiết kế phù hợp với nhu cầu thị trường, đầu tư tài chính ổn định, tạo dựng nên thương hiệu riêng nhờ vào những thương hiệu nổi tiếng thế giới khác.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam có rất nhiều điểm hơn hẳn Phuket với sức lôi cuốn mạnh mẽ, cụ thể như cơ chế sở hữu nhà của Thái Lan chỉ là 30 năm, nhưng ở Việt Nam là 50 - 70 năm. Chi phí đất tại Việt Nam vẫn thấp hơn và chi phí xây dựng cũng tương đồng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn quá nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài phải băn khoăn.
Theo ông Doanh, giá đất quá cao, đồng thời chính sách phát triển thị trường BĐS còn thiếu công khai, minh bạch là nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này. Nhà nước nên có những chính sách mang tính bền vững hơn như ổn định giá đất, tránh tình trạng cứ vài năm lại tăng giá một lần, thậm chí mức tăng còn nhanh hơn cả tăng trưởng của GDP khiến chủ đầu tư cảm thấy bất an. Điều này gây cản trở đối với việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, đồng thời là gánh nặng đối với người dân Việt Nam.
Còn theo ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), kiêm Chủ tịch Chi hội BĐS Du lịch Viêt Nam, Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong quy hoạch cũng như xây dựng chiến lược phát triển cho lĩnh vực này. Đây chính là nguyên do những dịch vụ vui chơi giải trí, kết nối cộng đồng và nghỉ dưỡng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Cần phát triển đồng bộ
Một chuyên gia kinh tế của Singapore nhận định, trong tương lai, với sự phát triển về khoa học kỹ thuật và trình độ con người, Việt Nam sẽ bắt kịp các nước khác trong khu vực về lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng… Cho dù không có tiềm lực tài chính hùng hậu như nhiều nước khác nhưng Việt Nam có những lợi thế riêng, đặc biệt là về quỹ đất. Nếu khai thác hiệu quả ưu thế của hơn 3.000 km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích văn hóa có giá trị, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thị trường BĐS du lịch mang tầm quốc tế. “Giai đoạn trước mắt chúng ta cần đẩy mạnh khai thác BĐS dọc các bờ biển miền Nam Trung bộ vì nơi đây tập trung các bãi biển đẹp, kéo dài từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, là khu vực có triển vọng rất lớn cho nhiều dự án BĐS du lịch. Đó là chưa kể để đến còn nhiều tiềm năng du lịch vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng ở các khu vực khác như đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, du lịch miền núi, du lịch Tây nguyên. Tất cả những vị trí trên đều có tiềm năng xây dựng thành những khu du lịch nổi tiếng” - ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thắng, hơn bao giờ hết Việt Nam cần phải có sự phát triển đồng bộ, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm ở các địa phương. Nhà nước cần đẩy mạnh việc thiết lập một cơ chế chính sách gọn nhẹ, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư. Vấn đề hạ tầng, phương tiện giao thông cần phải được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Việt Nam đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch như hệ thống giao thông, nhà ga... Có như thế cộng đồng doanh nghiệp mới có khả năng nâng cao sức cạnh tranh.
(Theo Doanh Nhân/DĐDN)