Thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy” và có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ
Đó là nhận định của ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Singapore, được tổ chức tuần qua tại TP HCM.
Điểm đáy của chu kỳ
Theo ông Neil MacGregor, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy” và có dấu hiệu phục hồi. Đáng chú ý, phân khúc văn phòng và nhà ở tại TP HCM đang bắt đầu có sự cân bằng hơn giữa cung và cầu. Dù giá thuê văn phòng và giá bán BĐS nhà ở vẫn chưa tăng đáng kể, Savills kỳ vọng điều này sẽ xảy ra vào 6 tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015. “Trong khi Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ BĐS, nhiều thị trường khác ở châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ, và có thể giảm trong vài năm tới. Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư muốn tận dụng sự phục hồi của thị trường, khi những thị trường khác bắt đầu nguội dần” - CEO Savills Việt Nam nhận định.
Hiện nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật, Singapore và nhiều thị trường khác đang rót vốn lớn vào BĐS Việt Nam. Lựa chọn đầu tư của họ là những khách sạn và tòa nhà văn phòng đang hoạt động, cũng như những dự án phát triển nhà ở thuộc phân khúc “hẹp” phục vụ một số đối tượng khách hàng đặc biệt. Một số nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án nhà ở dài hạn trên quy mô lớn…
Thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy”. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 49 dự án đăng ký mới, với số vốn tăng thêm 463,1 triệu USD. Kinh doanh BĐS đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI, với 9 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm hơn 399 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản và Singapore tiếp tục là 2 trong tốp đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tập trung vào văn phòng, khách sạn và nhà ở
Theo Savills, hiện các nhà đầu tư ngoại đang có xu hướng tập trung vào một số phân khúc văn phòng, khách sạn và nhà ở. Ở phân khúc văn phòng, thị trường TPHCM dường như đã “chạm đáy” và giá thuê bắt đầu tăng. Các tòa nhà văn phòng đang hoạt động với dòng tiền ổn định được quan tâm. Ở phân khúc khách sạn, lượng du khách cả trong và ngoài nước tăng rất nhanh trong những năm qua là cơ sở cho dòng vốn FDI tập trung vào đầu tư khách sạn ở khu vực trung tâm TP lớn hay các khu nghỉ dưỡng ven biển.
Đối với phân khúc nhà ở, những dự án phát triển khu căn hộ thuộc phân khúc “hẹp” phục vụ một số đối tượng khách hàng đặc biệt, BĐS gắn liền với đất hay các dự án phát triển khu đô thị mới là những mảng đầu tư tiềm năng đang thu hút nhà đầu tư ngoại.
Việc cho phép sở hữu nhà ở đối với nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới sẽ càng kích thích lượng vốn ngoại đổ vào thị trường này. Hiện nhiều nhà đầu tư Singapore đang rất quan tâm thị trường BĐS Việt Nam và muốn rót vốn. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, tổng lượng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm từ Singapore đổ vào các dự án hơn 513 triệu USD. Các tập đoàn BĐS hàng đầu như CapitaLand và Kepple Land đang sở hữu nhiều dự án BĐS đình đám tại Việt Nam như The Vista (quận 2, TP HCM), Mulbery Land, dự án khu đô thị Hanoi WestGate (Hà Nội) với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD… Trong khi đó, dự án Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỉ USD do Tập đoàn Tokyu (Nhật) liên doanh với Becamex Bình Dương vẫn là dự án đình đám của nhà đầu tư Nhật thời gian qua. n
Theo nld