SearchNews

Bất động sản TP.HCM: Căn hộ chung cư tăng giá 15-20%

13/01/2020 07:30

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã công bố báo cáo tổng kết thị trường bất động sản TP.HCM năm 2019. Sự sụt giảm có hệ thống về nguồn cung sản phẩm và nguồn thu ngân sách được HoREA cảnh báo rõ trong báo cáo này.

Theo báo cáo trên, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, so với năm trước giảm 12 dự án, tương đương mức giảm lên đến 92%. Cùng với đó, lượng dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhân chủ đầu tư tại TP.HCM trong năm qua là 4 dự án, so với năm 2018 giảm 85%. Mặt khác, lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư cũng giảm 80% so với năm trước, giảm còn 16 dự án.

Về nguồn cung sản phẩm, số dự án nhà ở đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 47 dự án, cung ứng 23.485 căn hộ chung cư, so với năm 2018 giảm 14,1%. Phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo với 15.758 căn hộ chào bán, đạt tỷ lệ 67,1% tổng cung. Các quận 9, 7, 2 là nơi tập trung nhiều dự án nhà ở nhất, lần lượt là 9, 8, 6 dự án. Trong khi đó, huyện Bình Chánh cũng góp mặt với 4 dự án. Đáng chú ý, trên địa bàn TP.HCM không có dự án nhà ở xã hội mới nào được triển khai trong năm 2019. 

Về nguồn thu ngân sách từ đất, do thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó nên nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực địa ốc sụt giảm so với giai đoạn 2017-2018. Cụ thể, trong năm vừa qua, thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 14.65 tỷ đồng. Con số này so với năm 2017 va 2018 lần lượt giảm 18,2%; 11,2%. Số nợ tiền sử dụng đất năm 2019 là 974 tỷ đồng, so với năm trước tăng 33,4%.

Hình ảnh một góc TP.HCM nhìn từ trên cao với các tòa chung cư cao tầng xen kẽ khu dân cư thấp tầng, cây xanh, cầu bắc qua sông
Thị trường bất động sản TP.HCM ghi nhận 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2019. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Thị trường bất động sản TP.HCM có tới 126 dự án nhà ở thương mại sử dụng quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc về thủ tục xây dựng trong giai đoạn từ tháng 10/2015 tới hết năm 2018. Chưa kể, TP còn 158 dự án có nguồn gốc quỹ đất do Nhà nước quản lý phải kiểm tra, rà soát lại pháp lý. Thậm chí, một số trường hợp trong đó phải thanh tra, kiểm tra. Do đó, trong năm 2019, các dự án nhà ở tiếp tục chậm trễ thủ tục pháp lý và tình trạng này là gánh nặng đối với thị trường bất động sản TP.HCM năm 2020.

Cách tính đối với những thửa đất công xen kẹt trong dự án cũng như phương pháp xác định giá đất là nguyên nhân khiến nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM chưa được UBND TP ban hành quyết định thu tiền sử dụng đất. Các chủ đầu tư dự án vì thế không thể nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Do đó, dự án không đủ điều kiện được huy động vốn từ khách hàng, chi phí doanh nghiệp gia tăng, đặc biệt là chi phí tài chính khiến giá nhà ở tăng lên, người mua nhà là người cuối cùng phải gánh chịu.

Hiệp hội cho biết, lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2019 cũng bị giảm trên dưới 50%. Đồng thời, doanh thu bán hàng của các nhà cung cấp vật tư, thiết bị cũng giảm xuống. Trong khi đó, ngân hàng thương mại đối mặt rủi ro khi thu hồi nợ xấu liên quan tới địa ốc.

Theo HoREA, khả năng hấp thụ hàng hóa duy trì ở mức cao là điểm sáng duy nhất của thị trường nhà đất Sài Gòn trong năm qua. Tuy nhiên, tổng thanh khoản trên toàn thị trường thấp nhất trong 5 năm gần đây do tổng cung lao dốc mạnh tương ứng.

Giá bất động sản TP.HCM tăng cao do nguồn cung hạn chế. So với năm 2018, nhà chung cư tăng giá từ 15-20%, thậm chí có dự án ở quận 9 tăng tới 39%. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng trẻ, người mới lập nghiệp, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại đô thị ngày càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhà ở.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu