Mập mờ đất tỉnh “ăn theo” Sài Gòn
Thấy miếng đất quảng cáo cũng khá đẹp, anh Phạm Hùng lần theo số điện thoại ghi trên trang facebook bán đất nền dự án để tìm hiểu. Theo như thông tin rao bán có ghi thì đây là đất nền “khu đô thị Saigon New, với mặt tiền đường 46m, liền kề quốc lộ 22, gần ngã tư An Sương, cách trung tâm Sài Gòn 20km”. Giá bán 334 triệu đồng/nền. Vị trí dự án được nhân viên này quảng cáo là thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Bát nháo tình trạng đất tỉnh “mượn hồn” Sài Gòn.
Do có nghe câu chuyện sales rao bán đất ở Bình Chánh nhưng lại đưa khách tới tận Long An nên anh Phạm Hùng cũng khá dè chừng. Anh hỏi lại: “đất Hóc Môn hay Long An nhỉ?”. Nhân viên này chắc như đinh đóng cột: “Dạ… Hóc Môn anh ạ”. Tuy nhiên, khi anh Phạm Hùng yêu cầu gửi sổ đỏ đất để xem trước vị trí thì sale này “lặn” mất tăm.
Anh Phạm Hùng kể, trước đó từng gặp không ít trường hợp nhân viên môi giới “treo đầu dê, bán thịt chó” làm mất thời gian lại chuốc thêm bực mình. “Nhân viên sales không bao giờ nói rõ vị trí thực tế của dự án để khách hàng yên tâm. Lúc nào xuống đến nơi thì chuyện cũng đã rồi, rằng đất là của tỉnh khác. Nếu mình không hỏi sổ đỏ trước, chắc lần này lại bị lừa rao đất Hóc Môn bán đất Long An”, anh chia sẻ.
Tìm hiểu thực tế của phóng viên, một dự án đất nền khác cũng được quảng cáo là liền kề khu đô thị Sala, quận 2, tọa lạc ngay mặt tiền đường Đại lộ Mai Chí Thọ, ngay cổng ga metro với tổng quy mô 150ha. Giá đất được rao bán 130 triệu đồng cho một nền 90m2.
Khi gọi điện hỏi tại sao giá bán trên tin đăng rẻ thế, chỉ 130 triệu đồng/nền, cậu nhân viên giải thích ngay: “Giá 130 triệu chỉ là hỗ trợ thanh toán trước 20%. Còn giá thực tế từ 6 - 9 triệu đồng/m2”, không quên kèm theo lời đánh giá “đây là giá đất vô cùng rẻ ở khu vực này”.
Tuy nhiên, khi khách hỏi vị trí chính xác của dự án thì nhân viên này mô tả hết sức dài dòng, mập mờ, không nói rõ địa chỉ mà hẹn gặp để hướng dẫn khách đi tham quan. Theo kinh nghiệm của dân môi giới lâu năm thì đây là chiêu câu khách của môi giới bán đất Đồng Nai, ăn theo cầu Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai.
Việc giới thiệu dự án gây nhầm lẫn về địa chỉ, cảm giác đất tỉnh mà như đất Sài Gòn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Dự án Bella Vista của Công ty Trần Anh được gắn địa danh Bella Vista Củ Chi, nhưng vị trí ở Long An; Dự án Water Point Long An được môi giới quảng cáo là Phú Mỹ Hưng 2… Không những môi giới mà ngay cả một số doanh nghiệp cũng gắn những mỹ từ như: “Đông Sài Gòn”, “Nam Sài Gòn”, “City Center”…vào tên dự án khi bán đất tỉnh.
Cẩn thận trước những thông tin nhiễu
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: “Khi rao bán một dự án, người ta sẽ quảng cáo hết những ưu điểm của dự án đó. Có khi nói dự án nằm ở mặt tiền đường nhưng thực tế là không có mặt tiền đường nào hết, phải đi trong hẻm sâu. Cho nên việc nhập nhằng, lập lờ giữa chuyện biên giới, lằn ranh giữa quận này với quận kia, tỉnh này với tỉnh kia là vẫn có.
Ví dụ miếng đất đó sát với biên giới TP.HCM, có thể cách thành phố một con đường, bên đây đường là tỉnh này, bên kia đường là tỉnh khác. Chuyện đó có xảy ra. Đôi khi người ta ăn theo hạ tầng, chẳng hạn như sát quận 1, nhưng thực sự nó là quận 10. Khi dự án cách xa hàng mấy cây số thì quảng cáo như vậy sẽ không đúng”.
Giữa thị trường có rất nhiều thông tin ảo, thông tin nhiễu, ông Đực lưu ý người mua nên cẩn thận tìm hiểu, thậm chí xem bản đồ, đi tới tận nơi kiểm tra. “Tôi nghĩ rằng do chủ đầu tư quảng cáo quá lời, cộng thêm nhóm bán hàng dồn ép, dùng mọi thủ thuật, chiêu trò để lôi kéo khách. Đôi khi là đưa cung cách bán hàng đa cấp vào để áp dụng cho bán hàng bất động sản”, ông Đực cho biết thêm.
“Khi đọc những thông tin bán đất này người mua cần phải hết sức lưu ý, vì đất có giá của nó. Thông tin rao bán rẻ quá sẽ làm người mua bị cuốn hút theo, vì nó tạo cho họ cảm giác mua hời. Lúc đó người sales có thể sẽ dùng thủ thuật, ví dụ như từ Hóc Môn hay Bình Chánh dẫn về tới Long An, hoặc từ quận 9 qua tới Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Hiện tượng này đang khá phổ biến, cho nên đang là tình trạng không lành mạnh của thị trường. Thành ra người mua trước khi xuống tiền cần kiểm tra, xem xét giá đã hợp lý chưa, chứ đừng thấy rẻ quá mà ham”, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa khuyến cáo.