Ồ ạt xin cấp phép dự án rồi bỏ hoang, không ít chủ đầu tư ngoại đã phải bỏ của bởi bất động sản không còn siêu lợi nhuận.
Kẻ ôm đầu bỏ chạy, người cố giữ xương
Năm 2007, thị trường địa ốc chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư nước ngoài. 40% tổng vốn của các DN nước ngoài đã đầu tư vào thị trường bất động sản. Tại TP HCM, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến lĩnh vực này từ Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Malaysia...
Đến khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, không ít dự án ngoại đang ngoắc ngoải. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng nhiều nhà đầu tư ngoại, khiến một số dự án tỷ đô bị rút giấy phép. Các nhà đầu tư lũ lượt bỏ đi.
UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng, tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, lý do khiến dự án này bị thu hồi giấy phép vì chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã cam kết.
Vào tháng 9/2009, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã giấy chứng nhận đầu tư dự án trên cho Công ty TNHH Tập đoàn Bãi biển Rồng với vốn đầu tư lên đến 4,15 tỷ USD.
Theo quy định đến tháng 4/2010, chủ đầu tư phải nộp tiền ký quỹ để cam kết triển khai dự án, song đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Cùng cảnh ngộ, hàng loạt siêu dự án ngoại cũng bị rút giấy phép đầu tư, tiêu biểu như dự án thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa tại Phú Yên có vốn đăng ký 11,4 tỷ đôla, diện tích 5.600 ha; dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm có vốn 1,2 tỷ đôla, dự án Khu công viên văn hóa thế giới kỳ diệu tại Bà Rịa Vũng Tàu có vốn 1,2 tỷ đôla, diện tích 130 ha.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đa số vốn nước ngoài tập trung vào bất động sản cao cấp như khách sạn, nghĩ dưỡng, căn hộ. Tuy nhiên, tình hình thị trường bất động sản cao cấp đang gặp khó.
Một số dự án bất động sản có quy mô trên 100 ha và vốn đăng ký trên 1 tỷ đôla được cấp phép đầu tư từ năm 2008-2009 những vẫn chưa triển khai và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Trong năm 2012, 85 dự án bất động sản ngoại đã bị giải thể do chậm tiến độ quá lâu so với giấy phép đầu tư.
Trong khi đó, nhiều dự án ngoại đã triển khai từ lâu vẫn tiếp tục giữ đất để chờ thời cơ. Đơn cử, dự án Booyoung tại khu Đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) sau 6 năm vẫn bỏ hoang. Tại thời điểm đó, Booyoung Vina được xem là 1 dự án FDI rất tiềm năng khi có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD, chủ đầu tư là một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực BĐS.
Mãi đến tháng 7-2011, dự án được “tái khởi động” bằng việc khởi công khu chung cư CT7. Tuy nhiên, ngay sau đó, dự án lại tiếp tục đóng cửa bỏ hoang.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, Tập đoàn Berjaya đã triển khai nhiều dự án hàng tỷ USD. Trong đó, có 2 dự án tại TPHCM là Trung tâm Tài chính Việt Nam và Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lên đến 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, 2 dự án này vẫn nằm trên giấy, trong khi chủ đầu tư có dấu hiệu đuối sức. Đến nay dự án trung tâm tài chính chưa có gì ngoài bãi đất trống.
Tình trạng bất động của những dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng rất phổ biến ở các thị trường nhỏ hơn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đủ lý do giữ dự án
Các chủ đầu tư đã đưa ra không ít lý do để giải thích cho sự chậm trễ của những dự án ngoại. Đại diện của Berjaya Land Berhad phân trần do phải điều chỉnh đồ án quy hoạch 1/500 đến 14 lần nên chưa thể khởi công như đã cam kết.
Năm 2012, UBND TP Hồ Chí Minh đã “nhắc nhở” chủ đầu tư nếu tiếp tục trì hoãn, không hoàn thành các thủ tục đầu tư theo cam kết, TP sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Chủ đầu tư dự án Booyoung Vina cũng cho rằng, sau khi triển khai xong thủ tục xin dự án, vướng vào điều chỉnh quy hoạch do mở rộng Thủ đô Hà Nội, chủ đầu tư này đã “chậm một nhịp” so với sự điều chỉnh của thị trường.
Theo chủ đầu tư, để thực hiện dự án này, Booyoung Vina đã đưa ra Chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng Hana Bank (Hàn Quốc), với khoản tiền 134 triệu USD. Thậm chí, trong trường hợp xây xong dự án, nếu thị trường không tốt, công ty vẫn có thể phát triển theo hướng cho thuê nhà, mà không cần phải huy động vốn của nhà đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, việc một dự án ngoại hoang hóa 6 năm liền trong điều kiện thị trường BĐS trầm lắng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực thực sự của chủ đầu tư đằng sau những quảng bá hoành tráng.
Còn chủ đầu tư dự án Khu Đô thị Halong Star tại Quảng Ninh lại viện dẫn khó khăn của đối tác nước ngoài là Limitless World, khiến cho Dự án bị ngưng trệ mấy năm liền. Dự án này được cấp phép cho liên doanh giữa Công ty Cổ phần Việt Mỹ Hạ Long và Limitless World, thuộc Tập đoàn Dubai World (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Mới đây, Dự án đã được tỉnh Quảng Ninh cho phép lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2015, tức muộn hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Thực tế, đói vốn là nguyên nhân phổ biến cho tình trạng bất động của các dự án có vốn đầu tư đăng ký rất lớn nhưng không triển khai được. Không ít nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với ý định “tay không bắt giặc”.
Trong khi không ít ông lớn rút lui, vẫn có nhiều nhà đầu tư ngoại đang ròm ngó thị trường BĐS Việt Nam.
Nhiều địa phương cho rằng, chậm trễ về tiến độ có thể dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Điều các địa phương quan tâm là tính khả thi của dự án. Nếu như các nhà đầu tư chứng minh được tiềm lực và khả năng tiếp tục triển khai thì hỗ trợ là giải pháp được chọn. Tuy nhiên, trong điều kiện ngược lại, nhiều dự án sẽ buộc phải thu hồi để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới có hiệu quả hơn.
(Theo VEF)