Sau khi thắng lớn trong đợt chứng khoán tăng nóng, nhiều nhà đầu tư có xu hướng chuyển một ít vào thị trường bất động sản để hiện thực hóa tài sản của mình.
Đồng thời, trước tình hình cơn sốt chứng khoán lên cao, các đại gia nắm trong tay nhiều cổ phiếu có tâm lý phân tán một phần nhỏ nguồn đầu tư từ chứng khoán sang bất động sản để hạn chế rủi ro.
Anh Hoàng Lộc, nhà đầu tư sàn SSI cho biết, anh đã có một căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng từ lâu nhưng anh vẫn mua thêm một căn khác tại quận 2 trị giá vài tỷ đồng. Anh cho biết số tiền ấy chưa bằng 1/10 so với lượng vốn anh đang đầu tư vào chứng khoán. Bởi theo anh, thị trường chứng khoán còn rất tốt, giá trị cổ phiếu lại đang ở mức cao, tiềm năng thu lời lớn nên anh không dại gì đầu tư hết vào địa ốc, anh chỉ mua vì thấy giá "được" mà thôi.
Còn anh Minh Phú, nhà đầu tư sàn BSC kể rằng, thời gian vừa qua chứng khoán tăng nóng, số lãi mà anh thu được khá lớn nhưng gần đây anh thấy thị trường này có vẻ không ổn định nên dự định mua một vài căn biệt thự để dành. Anh đã đi tìm hiểu ở khá nhiều nơi, thêm vào đó là thông tin thị trường địa ốc 2007 sẽ ấm dần lên, nên quyết định rút một ít vốn ra để mua nhà. Theo anh, nhiều dòng vốn đang liên tục đổ vào thị trường Việt Nam, kéo theo đó là nhiều nhà đầu tư ngoại, nhu cầu mua hoặc thuê nhà của họ cũng sẽ rất lớn. "Nếu không mua sớm tôi sợ giá nhà sẽ tăng", anh thổ lộ.
Cũng giống như anh Phú, chị Ngọc Loan, nhà đầu tư sàn SSI vừa mua một ngôi nhà tại quận 4 (TP HCM), cho biết hướng đầu tư sang địa ốc gần đây chính là cách cột lợi nhuận tốt nhất. "Giá trị cổ phiếu luôn mang tính ảo, nay còn mai mất trong khi tôi luôn muốn tạo cho mình sự an toàn bằng cách tậu những tài sản hiện hữu. Mua tại thời điểm này mà chênh lệch giá đã là 10-15 % rồi chứ chưa nói đến sau Tết. Tuy vậy, tôi mua không cần trả giá", chị khẳng định.
Trong khi đó, tại các sàn giao dịch bất động sản thời điểm cuối năm 2006 cũng cho thấy dấu hiệu khả quan. Theo thống kê của siêu thị địa ốc ACB, doanh số tháng 11 và 12 năm 2006 đạt 4.468 lượng vàng và tiền mặt là 121.2 tỷ đồng, tăng mạnh so với các tháng đầu và giữa năm. Sàn giao dịch bất động sản của các doanh nghiệp khác như Sài Gòn Thương tín, Hoàng Quân, Thủ Đức House cũng có dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2005.
Hiện nay, lượng khách hàng tại các sàn giao dịch đã có xu hướng nhích dần lên. Nổi nhất là nhu cầu mua nhà, đất và thẩm định giá. Khách hàng cũng chia làm nhiều loại, đa phần là đối tượng mua với mục đích ở là chính. Song đối với những sản phẩm có giá trị tài sản lớn thường thu hút các khách hàng có khả năng thanh toán mạnh.
Điều đáng chú ý là thời điểm thị trường địa ốc có dấu hiệu "ấm" dần rơi vào thời điểm mùa vụ đồng thời cũng trùng khớp với cơn sốt chứng khoán đang diễn ra vài tháng gần đây. Chính vì thế, nhiều nhà kinh doanh bất động sản cho rằng, mối quan hệ tương hỗ tích cực giữa thị trường chứng khoán và địa ốc sẽ dần dần bộc lộ rõ nét.
Trao đổi về tình hình phân tán đầu tư của các tay chơi chứng khoán, Phó tổng giám đốc công ty địa ốc ACB, Võ Đình Quốc, nhận định: "Mối quan tâm của các nhà đầu tư là sự ổn định về tài chính nên việc thị trường chứng khoán nóng kéo theo thị thị trường địa ốc được ăn theo là chuyện hết sức bình thường. Tuy hiện nay dấu hiệu này chưa rõ rệt lắm, song trong tương lai, đó sẽ là xu thế đầu tư chung của thị trường tài chính".
Theo số liệu của Công ty quản lý và tiếp thị CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), giá bán căn hộ của nhiều dự án cao cấp tại TP HCM trong quý 1 năm nay đã tăng nhiều so với trước. Ví dụ như dự án The Lancaster có giá khởi điểm ban đầu là 2.050 USD/m2 thì nay đã vọt lên đến 3.500 USD/m2; cao ốc Avalon từ mức giá 2.089 USD/m2 năm 2005 thì hiện đã tăng thêm gần 800 USD nữa. Tòa nhà Indochina Park Tower hiện có giá bán 1.800 USD/m2, trong khi mức ban đầu là 1.500 USD. Tòa nhà Horizon cũng vậy, tăng từ 850 USD/m2 năm 2004 lên 1.300 USD/m2 hiện nay.
Nguyên nhân của việc tăng giá bán này, theo Tổng giám đốc CBRE, Marc Townsend, ngoài các lý do như nhu cầu thị trường tăng cao theo làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thu nhập cũng như kinh tế gia đình người dân được nâng lên... còn có nguyên nhân là có sự luân chuyển mạnh mẽ dòng tiền tệ từ thị trường chứng khoán sang bất động sản.
Chuyên gia về kinh doanh bất động sản này cho rằng, việc gia nhập WTO và các chính sách đầu tư của Chính phủ cùng Luật chứng khoán ra đời, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển mạnh và ổn định. "Dòng tiền sẽ chảy về bất động sản là đa số, sau đó mới tái đầu tư vào thị trường chứng khoán và được mang thành lập hoặc mở rộng công ty", ông Marc Townsend nói.
Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Marc Townsend cho rằng, tính đến ngày 17/1 Việt Nam có 106 công ty và 2 quỹ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, chỉ số VN Index là 975,3 và tổng vốn hóa thị trường là 15 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường bất động sản thời điểm cuối năm đã bắt đầu nóng nhờ luồng đầu tư chảy ra từ sàn giao dịch tài sản "bằng giấy" này.
Nhóm phóng viên