Hiện tượng thị trường chứng khoán và địa ốc chịu tác động lẫn nhau lặp đi lặp lại trong 7 năm nay, từ khi xuất hiện thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới ra đời (năm 2000), chỉ số giá chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch TP HCM (VN-Index) đã tăng phi mã từ 100 điểm lên đỉnh điểm 572 điểm trong vòng 6 tháng. Liền sau đó, bất động sản bước vào cơn sốt giá thứ hai kéo dài đến cuối năm 2001, với giá tăng gấp 2-3 lần. Trước đó, giá bất động sản đã bị đóng băng suốt gần 6 năm liên tục (tính từ cơn sốt thứ nhất vào năm 1993-1994).
Vào năm 2002, chỉ giá chứng khoán gần như “rơi tự do”, có lúc chỉ còn hơn 130 điểm trong những năm sau đó. Giá bất động sản cũng bị sốt lạnh kéo dài trong giai đoạn này.
Từ năm 2006, giá chứng khoán đã tăng từ 304 điểm trong phiên đầu tiên của năm 2006 lên 632 điểm sau đó 4 tháng. Nhưng do giá vàng tăng cao (có lúc đã lên đến 1,5 triệu đồng/chỉ), giá USD có dấu hiệu tăng cao (có lúc đã vượt qua mốc 17.000 đồng/USD), thị trường bất động sản nóng lên về giao dịch, ấm lên về giá, cộng với một số yếu tố khác đã làm cho VN-Index “rơi” từ 632 điểm xuống dưới mốc 400 điểm vào tháng 8/2006.
Sau đó, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào ào ạt (theo ước tính lên đến gần 2 tỷ USD), đã làm cho VN-Index chỉ trong chưa đầy 4 tháng đã vọt lên đỉnh điểm mới, ở mức 750 vào cuối năm 2006. Đầu năm 2007, mặc dù có hàng trăm công ty lên sàn niêm yết, nhưng do đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, kéo theo hàng trăm nghìn các nhà đầu tư trong nước đổ vốn vào thị trường chứng khoán, VN-Index thẳng tiến đạt đỉnh cao nhất 1.170 điểm vào tháng 3/2007.
Thị trường bất động sản từ cuối năm 2006, bước sang năm 2007 bắt đầu nóng dần lên về giá theo chu kỳ nóng - lạnh, đã gặp đúng lúc những người thắng lớn ở thị trường chứng khoán chuyển tiền sang mua bất động sản. Sau khi vượt qua đỉnh điểm 1.170 điểm, VN-Index bắt đầu sang dốc bên kia. Một bộ phận của thị trường bất động sản (đất xây khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư cao cấp) lên cơn sốt, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh - nơi có mặt bằng giá bất động sản thấp hơn Hà Nội - sau đó lan ra Hà Nội.
Sắp sốt bất động sản lần ba?
Khi giá chứng khoán xuống thấp, thì giá bất động sản nhanh chóng hạ xuống mạnh. Bắt đầu từ cuối tháng 6, cung chứng khoán tăng mạnh bởi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các đại gia, các đợt phát hành chứng khoán để huy động thêm vốn của các công ty đã niêm yết. Để kiềm chế lạm phát có xu hướng tăng cao sau khi đưa một lượng tiền lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng để mua 7 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nên VN-Index đã giảm mạnh, những ngày gần đây đã xuyên thủng mốc 900.
Nhưng khi VN-Index xuống quá sâu, giao dịch chứng khoán suy yếu đã làm cho người ta nghĩ ngay đến thị trường bất động sản. Bởi các kênh sinh lợi khác đều kém khả quan hơn, như giá vàng lên xuống phụ thuộc vào thị trường thế giới, giá USD khó mà tăng cao.
Trong khi đó, nhu cầu nhà đất tăng nhanh do dân số mỗi năm vẫn tăng trên 1 triệu người… Nhu cầu thành lập các điểm giao dịch của doanh nghiệp, phát triển hệ thống bán lẻ sản phẩm cũng như dịch vụ, cần thêm nhiều khách sạn cao cấp, văn phòng cho thuê theo xu hướng phát triển du lịch và kinh doanh đang hứa hẹn một thị trường địa ốc ấm áp hơn trong những tháng tới.
Nhu cầu tăng cao, cộng hưởng với một lượng tiền lớn chuyển từ thị trường chứng khoán sang khi giá chứng khoán xuống, có thể sẽ làm cho giá bất động sản ấm nóng trở lại và có thể xuất hiện cơn sốt bất động sản thứ ba.
(Theo SGTT)