Năm 2013 là năm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ, với những phát ngôn và hành động quyết liệt.
Tại nghị trường, có vị đại biểu Quốc hội ví von rằng, nhiều ngành phải học ngành xây dựng, vì ngành này "kêu" cho bất động sản ghê quá. Trong khi trong suy thoái thì ngành nào chẳng khó khăn.
Không chỉ "kêu", mà chưa năm nào như năm qua, thị trường bất động sản được đón nhận nhiều chính sách hỗ trợ đến thế. Và nhiều trong số đó có dấu ấn cá nhân Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng.
Là “kiến trúc sư” của nhiều dự án sửa đổi luật, nghị định, Bộ trưởng thấu hiểu rằng, chính sách không phải là “cây đũa thần”, ngay lập tức có thể hô biến thị trường địa ốc từ xấu thành tốt, cũng như việc Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để “cứu” cả thị trường.
Vì vậy, việc giải cứu thị trường bất động sản không chỉ trông chờ vào Nhà nước, Nhà nước chỉ cần và nên là người điều phối chính sách, khơi thông các điểm nghẽn để có thể huy động tổng hòa các nguồn lực xã hội chung tay vực dậy thị trường.
Trò chuyện với Đầu tư Bất động sản Xuân Giáp Ngọ, vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng chủ yếu nói về vai trò điều phối của Nhà nước!
Năm 2013 có thể nói là một trong những năm mà cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng ban hành hoặc đề xuất ban hành nhiều nhất. Xin Bộ trưởng đánh giá, đâu là những cơ chế, chính sách có tác dụng tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị trường bất động sản trong dài hạn?
Phải thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân làm cho thị trường bất động sản phát triển quá nóng và gặp khó khăn trong thời gian vừa qua là do công tác quản lý nhà nước chưa tốt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
Chính vì vậy, trong năm qua, Bộ Xây dựng đã tập trung sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản theo hướng tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước.
Đã có hàng loạt Nghị định của Chính phủ được ban hành trong năm 2013, như: Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Dự kiến, trong năm 2014, một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua.
Những văn bản pháp luật này khi được ban hành sẽ tạo lập một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường bất động sản, dần đưa thị trường này đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Thị trường bất động sản năm 2013 còn rất nhiều khó khăn, nhưng càng về cuối năm, những nhận định lạc quan xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy vậy, quan điểm cho rằng, thị trường này đang bước vào chu kỳ hồi phục khi nhiều chính sách hỗ trợ thị trường bắt đầu có "độ chín“ liệu có quá lạc quan, thưa Bộ trưởng?
Với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là sự chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2013 đã có những chuyển biến tích cực.
Thanh khoản của thị trường tăng trở lại, đặc biệt ở phân khúc căn hộ bình dân. Nhờ đó, lượng hàng tồn kho đã giảm dần, tính đến tháng 12/2013, tồn kho bất động sản đã giảm gần 25% so với quý I/2013. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung.
Niềm tin khách hàng với thị trường đang quay trở lại, trong khi doanh nghiệp liên tục mở bán sản phẩm sau một thời gian dài găm hàng chờ cơ hội...
Nhìn vào diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2013, nhất là sự tiến triển ở những tháng cuối năm, tôi cho rằng, năm 2014, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên.
Các giao dịch sẽ nhiều hơn, nhất là đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá thấp.
Tuy vậy, chúng ta vẫn cần thận trọng khi đánh giá về chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản, nhất là trước các quyết định cho phép đầu tư các dự án phát triểnmới hoặc quyết định đầu tư những loại hàng hóa không phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Nhận thức của doanh nghiệp về nhà giá rẻ, nhà xã hội hiện đã có sự chuyển biến, từ chỗ không mặn mà với việc phát triển các dự án này sang việc coi đây như một lối thoát cho hàng tồn kho. Bộ trưởng đánh giá ra sao về ý nghĩa của điều này đối với thị trường bất động sản nói chung và Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 nói riêng?
Quan điểm nhất quán của Bộ Xây dựng trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thị trường bất động sản phải phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp. Nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mà không gắn với cải thiện nhà ở cho người nghèo, bỏ mặc người dân thì chưa đạt yêu cầu.
Vì vậy, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, phải khắc phục được tình trạng lệch pha cung - cầu. Đó là việc cân đối lại nguồn cung nhà ở cao cấp đang dư thừa, tăng nguồn cung ở phân khúc nhà ở đang thiếu, trong đó, thiếu nhiều nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Việc phát triển mạnh nhà ở xã hội với những ưu đãi của Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm và giải quyết tồn kho bất động sản, từ đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vàtăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng, những mấu chốt khó tháo gỡ nhất của thị trường trong năm Giáp Ngọ này là gì?
Tôi cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bấtđộng sản, cần phải thực hiện một hệ thống các nhóm giải pháp tổng thể như đã nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CPngày 07/01/2013.
Thị trường bất động sản có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vì vậy cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các ngành có liên quan, của các địa phương, đặc biệt là sự chủ động của các DN kinh doanh bất động sản.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ vừa qua, cũng có nơi, có lúc còn lúng túng. Đặc biệt, công tác rà soát các dự án bất động sản để phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh, các dự án được tiếp tục triển khai cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và kế hoạch phát triển của từng địa phương còn chậm, đã ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thị trường bất động sản.
Điều này phải được thực hiện quyết liệt và minh bạch trong năm nay để trả về cho thị trường những nhân tố khỏe mạnh, phát triển bền vững.
Theo Dautuchungkhoan