SearchNews

Bỗng dưng mất nhà vì "hợp đồng ủy quyền"

28/10/2011 16:19

Để vay vốn làm ăn, hoặc sử dụng vào nhu cầu cá nhân, nhiều người phải cầm cố, thế chấp sổ đỏ. Do thiếu hiểu biết, người vay ký hợp đồng ủy quyền cho bên vay được toàn quyền định đoạt tài sản.

Để vay vốn làm ăn, hoặc sử dụng vào nhu cầu cá nhân, nhiều người phải cầm cố, thế chấp sổ đỏ. Do thiếu hiểu biết, người vay ký hợp đồng ủy quyền cho bên vay được toàn quyền định đoạt tài sản.

Cũng từ những bản hợp đồng này, hàng trăm hộ dân bỗng dưng mất nhà.

Cầm trong tay lá đơn “Đề nghị từ chối công chứng” gửi tới tất cả các phòng công chứng trên địa bàn Hà Nội, vợ chồng anh Đào Minh Đức (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thảng thốt: “Vợ chồng tôi mất nhà rồi, cứu chúng tôi với!”.

Sau ít phút lấy lại bình tĩnh, anh Đức kể, do cần tiền làm ăn, tháng 6-2009, vợ chồng anh này nhờ bên trung gian gồm Nguyễn Thanh T. (SN 1976, ở quận Thanh Xuân) và Lưu Thị Hoàng M. (ở huyện Gia Lâm) vay hộ số tiền 700 triệu đồng, lãi suất ngân hàng, thời hạn 5 năm. Để nhận được số tiền trên, vợ chồng anh Đức phải thế chấp cho bên môi giới sổ đỏ căn nhà của vợ chồng anh ở phường Mộ Lao, Hà Đông.

Tuy nhiên, trước khi nhận tiền, vợ chồng anh Đức tiếp tục phải ký nhận bản “hợp đồng ủy quyền”, cho phép người trung gian được sử dụng sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng. Được hơn một năm, bỗng một nhân viên ngân hàng xuất hiện tại nhà anh kèm theo bản thông báo “nợ xấu” của chính miếng đất do anh chị Đức đang ở, nhưng đã mang tên một chủ mới lạ hoắc.

Qua tìm hiểu, anh Đức được biết, ngay sau ngày anh ký bản hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền đã vội bán ngôi nhà của anh cho một người khác. Và, sau đó người mua này đã mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng, không trả lãi đúng hạn, dẫn tới tình trạng nợ xấu nói trên.

Một trường hợp khác, để vay 350 triệu đồng, anh Nguyễn Trung Lương (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải gõ cửa một bà Phó giám đốc Cty khoáng sản ở Hà Nội, và lập một hợp đồng ủy quyền cho bà này toàn quyền sử dụng, định đoạt căn nhà gắn liền đất của mình. Sau nhiều lần hẹn trả nợ và lãi không thấy bà Phó giám đốc kia hồi âm, anh Lương đi tìm hiểu mới biết sổ đỏ của anh đã bị bà này đem thế chấp ngân hàng để vay một khoản tiền lớn, đến nay cũng trong tình trạng nợ xấu.

Tương tự, vợ chồng anh Lê Hữu Trụ và chị Nguyễn Thị Hương (ở huyện Đan Phượng) cũng phải làm hợp đồng ủy quyền thế chấp sổ đỏ để vay hơn 100 triệu đồng. Mới đây, khi đến nhà người cho vay tiền, anh Trụ chị Hương mới té ngửa khi biết ông này mới mất, người nhà của ông này không biết gì về tấm sổ đỏ nói trên.

Rất khó xử lý hình sự

Đó là nhận định của thẩm phán Nguyễn Xuân Văn - Phó Chánh toà Hình sự TAND TP Hà Nội về các vụ việc như kể trên. Theo ông Văn, đây là một thủ đoạn lừa đảo mới. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bên vay tiền, khi lập hợp đồng ủy quyền vay vốn hộ, bên trung gian che giấu thỏa thuận “được toàn quyền định đoạt tài sản” vào một điều khoản cụ thể nào đó trong hợp đồng. Khó xử lý hình sự các đối tượng liên quan bởi hầu hết các bản hợp đồng ủy quyền như trên đều hợp pháp, được thực hiện tại các văn phòng công chứng có thẩm quyền.

Hơn nữa, cũng theo thẩm phán Văn, việc một công dân ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức thay mặt mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản thuộc quan hệ dân sự. Do vậy, khi sự việc trên bị phát giác, việc khắc phục hậu quả cũng như xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bên có dấu hiệu lừa dối rất khó khăn.

Đồng tình quan điểm này, kiểm sát viên Nguyễn Thị Kim Thu (Viện KSND TP Hà Nội) phân tích, về hình thức, các dạng hợp đồng ủy quyền đều là giao dịch dân sự, là một trong những quyền cơ bản của công dân. Nếu muốn xác định có dấu hiệu lừa đảo, hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các hành vi phải thoả mãn những dấu hiệu của điều luật, như “hành vi gian dối” trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc “dấu hiệu bỏ trốn” trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

(Theo Tiền phong)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu