TP Cần Thơ đang từng bước hoàn thiện để trở thành đô thị trung tâm, đô thị động lực của vùng ĐBSCL.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, đến cuối quý I/2009, trên địa bàn thành phố có gần 340 dự án (DA) ở các lĩnh vực xây dựng khu dân cư đô thị, khu dân cư phục vụ tái định cư (TĐC), xây dựng cơ sở hoạt động kinh tế xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch… còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành hữu quan, nhiều DA tiến độ thực hiện rất chậm so với yêu cầu.
Nỗ lực lớn
Các DA đầu tư trên địa bàn thành phố chia làm 5 nhóm. Bao gồm: các DA xây dựng khu dân cư (nhóm 1); các DA xây dựng khu dân cư phục vụ chuyên biệt cho TĐC (nhóm 2); các DA về kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch (nhóm 3); các DA xây dựng khu công nghiệp và cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (nhóm 4); các DA đa ngành trong đợt hoạt động xúc tiến đầu tư tháng 11-2008 (nhóm 5).
TP Cần Thơ hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Trà Nóc I, KCN Trà Nóc II, KCN Hưng Phú I, KCN Hưng Phú II đã và đang hoạt động cùng với cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt. Theo Ban Quản lý Các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, các KCN Cần Thơ hiện có 184 DA còn hiệu lực và vốn đầu tư thực hiện là 459,199 triệu USD, đạt tỷ trọng 31% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đến tháng 5 - 2009, có 137/184 DA đầu tư đã đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết: “Các DA đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở các KCN Cần Thơ từ năm 2007 đến nay đều tăng so với cùng kỳ. Kết quả này đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua”. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2009, doanh thu các doanh nghiệp trong KCN Cần Thơ tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2008, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2007 và tăng hơn 80% so cùng kỳ năm 2006. Cũng theo ông Hùng, ngoài các KCN nêu trên, hiện nay, KCN Ô Môn dù chưa có quyết định thành lập, nhưng đã tiếp nhận 1 DA vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 538 triệu USD.
Ngoài các DA trong nhóm 4 nêu trên, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn nhiều DA thuộc các nhóm khác đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực. Có 34 DA thuộc nhóm 1 và nhóm 2 thực hiện việc triển khai san lấp mặt bằng để thi công, giá trị đầu tư được xác định khoảng 13.500 tỉ đồng. Đến đầu tháng 4 – 2009, giá trị thực hiện ước đạt khoảng 3.580 tỉ đồng, tăng 3,29 lần so với năm 2004 (năm đầu tiên có giá trị triển khai xây dựng). Các DA triển khai đã xây dựng được khoảng 5.000 căn nhà các loại: nhà ở liên kế, nhà biệt thự, nhà phục vụ cho TĐC. Hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ tính riêng Khu Đô thị Nam Cần Thơ đã xây dựng được 30.000m đường giao thông các loại, 3.100m đường ống thoát nước chính; 30.000m đường ống đồng bộ theo các trục đường. Riêng một số DA thuộc nhóm III như: chợ An Bình, chợ An Hòa, chợ Ngã Tư hoặc Khu du lịch Mỹ Khánh... bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực. Theo các ngành hữu quan, nếu việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thuận lợi, trong năm 2009 sẽ có 8-10 DA thuộc nhóm này khởi công xây dựng.
Theo đánh giá của các ngành hữu quan, thời gian qua, các chủ đầu tư khi được thành phố giao chủ trương đã tích cực triển khai các thủ tục đầu tư. Đa số DA đã thực hiện được 4-5 công đoạn trong quá trình đầu tư; trên 50% số DA đã khởi công xây dựng, số DA hoàn thành có dân vào ở khá ổn định, giá trị đầu tư xây dựng đã đóng góp tích cực vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của thành phố. Các khu dân cư hình thành đã đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho nhân dân, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo nên kiến trúc, cảnh quan đô thị khang trang. Một số khu dân cư có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu về chất lượng sống tốt hơn cho cư dân đô thị.
Tiến độ thực hiện vẫn quá chậm
Tuy đạt được kết quả vừa nêu, nhưng theo nhận xét của các ngành hữu quan, việc triển khai thực hiện nhiều DA trên địa bàn thành phố còn quá chậm so với yêu cầu.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hiện nay, trong tổng số 45 DA nhóm 1, chỉ có 19 DA đã giải phóng mặt bằng từ 90% trở lên, cơ bản hoàn thành hoặc đang xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, có 7 DA đã giải phóng mặt bằng từ 50-70% trở lên; 5 DA mới có chủ trương, đang thực hiện các thủ tục đầu tư; 14 DA được đánh giá là thực hiện kém. Trong số 47 DA ở nhóm 2, chỉ có 6 DA đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, hầu hết là các DA này có quy mô nhỏ, chủ yếu là những khu dân cư được chia lô nền để bố trí dân bị ảnh hưởng bởi các DA vào ở, một số thiếu các công trình công cộng như trường mầm non, trường tiểu học, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... nên ảnh hưởng đến nhu cầu thiết yếu của người dân vào sinh sống. Riêng khu TĐC phục vụ DA Nâng cấp đô thị thành phố tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, có trường mầm non, tiểu học, trạm y tế... nhưng việc chia lô nền nhỏ, dầy đặc (khoảng40m2/1 lô) làm hạn chế kiến trúc đô thị. Các DA còn lại của nhóm 2 có 18 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc đã được phê duyệt DA hoặc đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng; 23 DA mới được chủ trương đầu tư hoặc trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch.
Đối với các DA thuộc nhóm 3, trong số 37 DA còn hiệu lực, có 14 DA đã xong thủ tục đầu tư, đã và đang triển khai thi công. Số còn lại là các DA đang lập thủ tục hoặc chỉ mới có chủ trương đầu tư.
Nguyên nhân và hệ lụy
Theo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, trong năm 2008 và các tháng đầu năm 2009, tiến độ thực hiện các DA cũng như mức độ bỏ vốn vào công trình đầu tư trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế. Số DA triển khai mới hầu như không có, các DA đã xây dựng thì tiến độ chậm. Nguyên nhân của tình trạng này, ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng: “Nhiều DA triển khai xây dựng do bồi thường theo phương thức thỏa thuận nên khó có thể thu được hết diện tích trong phạm vi DA. Một số hộ đòi giá quá cao, từ đó dẫn đến việc giải phóng mặt bằng không liên tục. Trong khi đó, việc san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng... lại không đồng bộ”. Như Khu đô thị Nam Cần Thơ, khởi động từ năm 2001, thời điểm này, với vị thế còn là tỉnh Cần Thơ nên không thu hút được nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư với quy mô lớn. Chính vì thế, nơi đây phải giao cho trên 20 nhà đầu tư thực hiện 27 DA với tổng diện tích 1.170,45ha để xây dựng trong một phối cảnh chung. Theo Ban Quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ, theo quy định, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với dân về giá, nên phần lớn người có đất trong dự án luôn đưa ra giá rất cao, nhà đầu tư không thể đáp ứng khiến tốc độ triển khai các DA bị chậm.
Một nguyên nhân khác là người dân không đồng tình giao đất thực hiện DA, không chịu di dời do thiếu khu TĐC. Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đây là khó khăn chung nhất, lớn nhất, trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các DA trên địa bàn thành phố. Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Trước đây, theo từng DA, các chủ đầu tư đã lập quy hoạch các khu TĐC với quy mô khác nhau nhằm mục đích xây dựng nhanh để bố trí dân vào ở. Về sau này, do nhu cầu phát triển, việc lập quy hoạch các khu TĐC thường có quy mô lớn như là một khu đô thị TĐC nhằm góp phần tạo bộ mặt đô thị cho địa phương. Tuy nhiên, một số DA đang thực hiện, vấn đề TĐC chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức và không có kế hoạch ưu tiên xây dựng. Do đó, việc TĐC không đi trước trong quá trình triển khai DA nên thiếu tính chủ động và thiếu sự nghiên cứu phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng DA tuy đã khởi công nhưng không đảm bảo đúng theo tiến độ, gây lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ngoài vấn đề này, ông Dương Tấn Hiển, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ, bổ sung: “Một số DA quá trình bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng kéo dài, phát sinh nhiều mức giá ở từng thời điểm nên phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh phê duyệt giá rất tốn kém thời gian. Điều này vô hình trung làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các DA”.
Tại nhiều cuộc họp bàn công tác xây dựng cơ bản, khó khăn trong việc triển khai thực hiện các DA cũng được các ngành hữu quan nhìn nhận. Đó là: Các quận huyện tham gia vào hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng do kiêm nhiệm nên quá tải về công việc. Sự phối hợp giữa các bên có liên quan trong công tác này chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, biện pháp thực hiện và cách áp dụng các chính sách mới còn nhiều lúng túng. Chính sách TĐC chưa đồng bộ, khu quy hoạch để phục vụ cho TĐC còn phân tán nhiều nơi, các đối tượng được TĐC của các DA thường là nông dân thu nhập thấp không có khả năng xây nhà ở theo quy hoạch đã được duyệt... Trong khi đó, sự hướng dẫn của các sở, ngành hữu quan về thủ tục đầu tư đôi lúc chưa cụ thể; thậm chí một số cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng với các cơ chế, chính sách mới; một số nhà đầu tư không có năng lực về vốn, chủ đầu tư có năng lực về vốn nhưng khả năng tổ chức thực hiện DA yếu kém...
Tất cả những vấn đề trên dẫn đến hệ lụy: Nhà đầu tư không thể triển khai hoàn chỉnh DA để kinh doanh, thu hồi vốn; người dân trong vùng DA khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt; đất sản xuất bị hoang hóa... Còn đối với Nhà nước thì không có được khu đô thị hoàn chỉnh, không phát huy được hệ thống hạ tầng làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển, diện mạo đô thị có cấu trúc không hoàn chỉnh.
(Theo Báo Cần Thơ)