Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được trình Quốc hội xem xét nhưng đến nay dự thảo vẫn còn nhiếu ý kiến khác nhau.
Trong đó vấn đề có nên cho phép chỉ định thầu hay không đang được tranh luận nhiều nhất... Ban soạn thảo thì cho rằng thời điểm hiện nay nên cho phép chỉ định thầu một số dự án, sau này nền kinh tế biến đổi sẽ điều chỉnh lại!
Cẩn trọng
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay chính là hệ thống thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc.
Nhiều văn bản luật liên quan chưa phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo nhau dẫn đến khó khăn khi áp dụng. Hệ quả là nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, giảm hiệu quả đầu tư...
Có 4 luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản được xem xét sửa đổi bổ sung với tổng số 29 điều khoản. Trong đó Luật Xây dựng có 8 điều, Luật Đấu thầu 18 điều, Luật Doanh nghiệp 1 điều và Luật Bảo vệ môi trường 2 điều.
Những thủ tục hành chính liên quan đến quy trình, thủ tục đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản được sửa đổi theo hướng giảm bớt rườm rà.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng quan tâm nhiều nhất đến việc có điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình hay không khi thị trường vật liệu xây dựng có những biến động bất thường hoặc có thay đổi về tỷ giá hối đoái do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới.
Thực tế thì lâu nay nhiều dự án, công trình đã được điều chỉnh giá khi có biến động về giá vật liệu xây dựng trên thị trường tăng lên. Ngược lại khi giá vật liệu xây dựng giảm thì hầu như không có dự án nào điều chỉnh.
Sửa đổi theo hướng nào?
Việc sửa đổi bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản thì Luật Đấu thầu chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 18 điều được sửa đổi bổ sung.
Trong đó có 4 vấn đề cơ bản là: sửa đổi quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 11), về chỉ định thầu (Điều 20), về phân cấp trong đấu thầu, chuyển bớt thẩm quyền của người quyết định đầu tư cho chủ đầu tư, bổ sung quy định về chế tài đối với một số hành vi vi phạm trong đấu thầu.
Điều 20 của Luật Đấu thầu về chỉ định thầu có nhiều ý kiến tranh luận về việc phân cấp chỉ định thầu, mức giá trị gói thầu được chỉ định thầu... Đây là vấn đề nhạy cảm khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, mà nếu không cẩn thận những quy định này vô tình “tiếp tay” cho tham nhũng phát sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền cho rằng trong Luật đầu thầu quy định tất cả gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia; dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng đều phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và lâu nay xảy ra tình trạng nhiều dự án như loại này chậm tiến độ do phải chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Hiền nên quy định rõ đâu là dự án có “tính chất bí mật quốc gia” hay “bí mật quốc gia” để những gói thầu loại này có thể phân cấp cho Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định thầu.
Về mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu, Luật Đấu thầu hiện nay quy định những “gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển” thì được chỉ định thầu.
Hiện đây là điểm được nhiều ý kiến quan tâm vì việc những gói thầu này chiếm số lượng lớn trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và đây là “cơ hội” cho tham nhũng phát sinh.
Các nơi có thể xé nhỏ dự án lớn ra thành những dự án nhỏ nằm trong mức được chỉ định thầu để “tham nhũng”. Ban soạn thảo cho rằng nên giao cho Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể mà không quy định trong luật.
Ông Hà Văn Hiền khẳng định, về lâu dài thì cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Nhưng trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn chỉ định thầu là cần thiết.
Tuy nhiên cần quy định chặt chẽ mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu, tránh lạm dụng. Còn tình trạng “chạy” dự án chỉ định thầu, nếu phát hiện ra sẽ xử theo Luật Phòng chống tham nhũng.
(Theo Thời báo KTVN)