Ông Tuấn cho hay, với chiến lược chọn nhà ở xã hội làm dòng sản phẩm phát triển chủ đạo (15 dự án), các chính sách, Luật, Nghị định, Thông tư về nhà ở xã hội có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hoàng Quân. Theo đó, nhiều dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp (bao gồm đã khởi công hoặc đang thi công) sẽ phải giãn tiến độ để chờ dòng vốn từ gói 30.000 tỷ được giải ngân trở lại.
Công ty Hoàng Quân đang phải chịu áp lực rất lớn về doanh thu và lợi nhuận
vì bị ảnh hưởng bởi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng
Theo giải thích của ông Tuấn, mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2016, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1013 về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam với mức lãi suất 4,8% một năm theo Nghị định 100. Quyết định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện việc phân công nguồn tài chính tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn chưa thống nhất được phương án bố trí vốn cụ thể. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến tiến độ bán hàng cũng như việc ghi nhận doanh thu của công ty.
Kết quả kinh doanh quý II/2016 của doanh nghiệp không khả quan bởi gói 30.000 tỷ ngừng giải ngân giai đoạn này. Lũy kế 6 tháng đầu năm ước tính doanh thu khoảng 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 60 tỷ đồng, còn cách cột mốc kế hoạch đề ra rất xa (500 tỷ đồng). Đây là một thách thức lớn cho HQC vì cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp có đến 50% đến từ nhà ở xã hội.
Người đứng đầu Địa ốc Hoàng Quân giải thích khi gói 30.000 tỷ, khách hàng đang bị tạm ngưng giải ngân, các ngân hàng đang tiến hành giải ngân theo hình thức lãi suất thoả thuận, khách hàng phản ứng rất dữ dội. Hiện nay rất nhiều trường hợp khách hàng mua nhà ở xã hội của Hoàng Quân chỉ mới được giải ngân gói 30.000 tỷ đồng ở mức 40-50% (theo tiến độ).
"Người mua nhà không được giải ngân với lãi suất ưu đãi cam kết (5%) đã khiến mọi thứ đình trệ lại. Vì vậy các dự án nhà ở xã hội của công ty đang bị ảnh hưởng", ông Tuấn giãi bày. Việc giãn tiến độ các dự án cũng gián tiếp tác động đến việc HQC ngừng triển khai phát hành tăng vốn điều lệ thêm 987.5 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, trả lời chất vấn của nhà đầu tư về nguy cơ khó cán đích lợi nhuận đăng ký, chủ tịch Hoàng Quân vẫn tỏ ra lạc quan về việc có thể đạt hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng cuối năm.
Bởi theo ông Tuấn, từ quý III trở đi chắc chắn các bộ ngành liên quan sẽ thúc đẩy giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trở lại. Đồng nghĩa với việc các dự án sắp bàn giao nhà trong năm 2016 của doanh nghiệp có thể tiếp tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Ông dự báo tối thiểu quý III/2016 lợi nhuận sau thuế có thể đạt 100 tỷ đồng.
Hơn nữa, 50% doanh số và lợi nhuận của HQC từ nhà ở xã hội nhưng vẫn còn 50% từ các phân khúc khác trong đó có khu công nghiệp, cảng, bất động sản nghỉ dưỡng, hoạt động tài chính… Riêng ở phân khúc khu công nghiệp, doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội lãi lớn và cân nhắc việc bán để chốt lời.
Nhu cầu về cảng và khu công nghiệp đón đầu cơ hội TPP hiện nay rất lớn đang tạo ra nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Trong trường hợp được nhà đầu tư trả giá mua khu công nghiệp cao, HQC sẽ cân nhắc bán. Cả hai khu công nghiệp Bình Minh và Hàm Kiệm I của công ty đều có vị trí chiến lược, hệ thống giao thông hoàn chỉnh, sẵn sàng đón sóng đầu tư trong nước và quốc tế. Trong qúy II/2016, đã có các đối tác từ Singapore, Thái Lan đến tìm hiểu và đang đàm phán thuê đất tại đây.