Giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều chủ cửa hàng tại TP HCM có mặt tiền đẹp không chịu nổi giá thuê đã phải trả lại mặt bằng. Nhiều nhà đầu tư đang xem đây là thời cơ để thâu tóm những vị trí đẹp cho mạng lưới phân phối của họ.
Cầu chữ Y đang sửa, trong lúc người dân ở quận 8 đang khổ sở vì ngày nào cũng phải vượt qua đoạn đường Hưng Phú đầy ổ voi, bụi, cát đá lởm chởm mới vào được quận 1, thì gia đình ông Nguyễn Thắng ở đường Âu Dương Lân (quận 8) bất ngờ được một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đến thuê nguyên căn nhà với giá 2.000 USD một tháng.
So với mức giá bình quân mà nhiều cửa hàng điện thoại di động, thời trang đang thuê, thì giá ngân hàng đề nghị cao gấp đôi. Người của ngân hàng còn cho biết sẽ đặt cọc trước cả năm và thời gian thuê ít nhất 5 năm, nếu chủ nhà đồng ý thì ký luôn hợp đồng 10 năm.
"Khi trao đổi với ngân hàng, tôi nhận ra họ đón cơ hội cho tương lai khá xa. Dự kiến đến 2009 – 2010, cầu chữ Y sửa xong, cũng là lúc đại lộ ngay dưới chân cầu hoàn chỉnh, khu biệt thự và dân cư Trung Sơn cũng vừa xong, cầu Nguyễn Văn Cừ cũng xây xong... Lúc đó, con đường nhà tôi trở thành huyết mạch lưu thông. Giá cho thuê nhà lúc đó chắc chắn sẽ lên và việc tìm mặt bằng đẹp để mở văn phòng sẽ rất khó nên họ phải đi trước một bước”, ông Thắng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Anh Hoa, chủ hệ thống cửa hàng thời trang Thanh Thảo cũng vừa khai trương cửa hàng mới trên đường Cách Mạng Tháng 8. “Trong lúc sức mua có chiều hướng giảm, dẫu biết mở thêm cửa hàng sẽ khó khăn nhưng chỉ có giai đoạn này chấp nhận đương đầu với khó khăn thì mới có khả năng tìm được những mặt tiền đẹp mà thôi”, bà giải thích.
Theo phân tích của bà Hoa, những vị trí tốt để mở shop thời trang trên những con đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng 8, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu... hầu như không còn chỗ trống. Đây là lúc phải tranh thủ những cửa hiệu nhỏ trụ không nổi, trả mặt bằng để lấy về cho mình.
Bà Hoa cho rằng nhu cầu về mạng lưới phân phối bán lẻ của các nhà kinh doanh hàng tiêu dùng, nhất là các công ty phân phối hàng nhập khẩu đang rất lớn, họ có vốn mạnh và có khả năng trường vốn nên giá thuê mặt bằng sẽ có khả năng tăng cao hơn nữa.
“Phải chấp nhận bỏ vốn để đầu tư vào mặt bằng ngay từ bây giờ. Nếu không sẽ mất chỗ kinh doanh, mất luôn khách quen”. Đó là suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Vân, chủ một trong những tiệm áo cưới có diện tích lớn nhất trên đường Ba Tháng Hai. Với hợp đồng thuê nhà sẽ kết thúc vào giữa năm nay, chủ nhà đề nghị nếu muốn tiếp tục, phải ký hợp đồng 5 năm với giá cao hơn 50% so với hiện nay, tức khoảng 20.000 USD một tháng. Suốt cả tháng qua, vợ chồng bà Vân tham khảo ý kiến bạn bè, đối tác để tìm ra phương cách giải quyết có hiệu quả cao nhất.
“Nếu chỉ kinh doanh dịch vụ cưới như hiện nay, chi phí thuê mặt bằng theo giá mới sẽ quá đắt, không thể nào có lãi được. Nhưng nếu trả mặt bằng, mất chỗ quen đã đành, mà khó có thể tìm được chỗ nào có diện tích rộng gần cả ngàn mét vuông như thế này. Có người đã bảo tôi đầu tư vào xây luôn nơi này thành cao ốc văn phòng 7 tầng để cho thuê, tôi có thể giữ tầng 1-2 làm dịch vụ cưới chuyên nghiệp, 5 tầng còn lại thu phí khoảng 30-50 USD một tháng. Nếu vậy thì tôi phải thuê nhà từ 15 đến 20 năm trở lên. Tôi thấy cách này cũng khả thi”, bà Vân cho biết.
Bà Phạm Thị Nguyên Thanh, giám đốc kinh doanh thời trang công ty Thành Công cho rằng việc cạnh tranh giành mặt bằng đang đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thế rất khó, bởi có rất ít công ty đủ sức bỏ ra hàng chục nghìn USD để đặt cọc giữ chỗ cho những mặt bằng đẹp. Bà Thanh kể: “Tôi từng mất những mặt bằng ngay góc ngã tư đường thật đẹp chỉ vì không có 18.000 USD đặt cọc ngay cho chủ nhà theo thông lệ thị trường hiện nay (tiền thuê 1.500 USD một tháng x 12 tháng). Ngay khi đó, nhà hàng gà rán chìa tiền ra, và họ có ngay hợp đồng 5 năm”.
(Theo SGTT)