SearchNews

Chuẩn nào cho chung cư cao cấp?

25/09/2014 10:21

Thực tế, có rất nhiều dự án chung cư cao tầng dán mác "cao cấp" nhưng chỉ cao ở giá còn chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn thiếu, yếu và kém.

Cao cấp… có thật “VIP”?

Theo hướng dẫn về phân hạng nhà chung cư của Bộ Xây dựng tại Thông tư 14, căn cứ vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và kỹ thuật hiện hành thì chung cư được chia làm 4 hạng.

Cụ thể, chung cư cao cấp hạng 1 phải đáp ứng đủ các yêu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật: Có hệ thống cấp điện dự phòng khi mất điện lưới quốc gia, đảm bảo tiêu chuẩn cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa; hệ thống giao thông đồng bộ
và đáp ứng tốt các tiêu chí về thiết kế nội thất.

Chuẩn nào cho chung cư cao cấp?
Chung cư cao cấp có thật VIP?

Dự án phải đảm bảo các cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ có chất lượng cao. Theo đó, phải có đầy đủ khu vui chơi giải trí, công viên, khu thể thao, hệ thống giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông ... trong bán kính 500m2. Ngoài ra, các trang thiết bị, vật liệu, vật tư phải đảm bảo chất lượng cao tính theo thời điểm hiện tại.

Đồng thời, phải có hệ thống camera kiểm soát ở cầu thang, hành lang và trong các sảnh. Đội ngũ nhân viên vệ sinh lau rửa, quét dọn, hút bụi khu công cộng thường xuyên, đảm bảo vệ sinh trong và ngoài khu vực tòa nhà. Hệ thống cây xanh cũng cần được chăm sóc, đường nội bộ, cầu thang máy phải luôn sạch sẽ và có chế độ bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời. Đảm bảo có nhân viên bảo vệ các lối ra vào tòa nhà 24/24.

Tự phong "cao cấp"

Nếu chiếu theo những quy chuẩn trên thì người mua nhà phải trả giá mua và giá dịch vụ "cao cấp" chứ chưa được hưởng đầy đủ các tiện ích của một chung cư cao cấp thực sự.

Điển hình là tình trạng tranh chấp diễn ra hàng năm trời tại tổ hợp chung cư cao cấp đầu tiên tại Hà Nội, chung cư The Manor. Với tiêu chí cao cấp nhưng chung cư này liên tục diễn ra các vụ tranh chấp, hết tranh chấp diện tích chung riêng đến phí trông xe rồi phí quản lý.

Chưa hết, liên quan đến chung cư này còn có tranh chấp liên quan đến vấn đề chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ đỏ). Bởi bỏ ra hàng tỷ đồng để mua căn hộ tại dự án này nhưng sau nhiều năm khách hàng vẫn chưa được nhìn thấy tấm sổ đỏ. Không chỉ thế, chất lượng hạ tầng kỹ thuật của chung cư cũng bị xuống cấp trầm trọng mà không hề được bảo trì, bảo dưỡng. Trách nhiệm này được đùn đẩy cho nhau giữa chủ đầu tư và đơn vị tiếp quản mới.

Không xa The Manor, tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng có những ưu điểm vượt trội so với các chung cư cao cấp khác, song tại tòa nhà này cũng không tránh được những vụ tranh chấp, khiếu kiện vừa qua liên quan đến chủ đầu tư như tranh chấp sử dụng diện tích chung - riêng, mức phí dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà tăng quá sức chịu đựng cư dân. Và hàng loạt các căn hộ "cao cấp" khác cũng vướng vào các vụ tranh chấp căng thẳng giữa người mua với  chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án về chất lượng, giá cả và phí dịch vụ ...

Thực tế, thị trường BĐS Việt Nam, mức giá giữa căn hộ cao cấp và căn hộ bình dân có sự chênh lệch rất lớn. Con số đó có thể là trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ. Đây là một trong những lý do khiến các chung cư dù không đáp ứng được đủ các tiêu chí của một chung cư cao cấp nhưng vẫn nằm tại vị trí đẹp và tự gắn cho mình mác "cao cấp" để nâng giá. 

Mác cao cấp nhưng thực chất chỉ là na ná hoặc là tự phong xuất phát từ tính hão danh của người Việt Nam, thích sang, thích khoe và thích hơn người. Bởi vậy nên không chỉ các chủ đầu tư, các đơn vị phân phối gắn mác cao cấp để tiện nâng giá kiếm hời mà ngay người mua cũng tự phong cho căn hộ của mình cái từ cao cấp chưa đúng nghĩa ấy.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu