SearchNews

Chứng khoán tiếp tục đổ vào BĐS

20/06/2007 08:38

Vincom Nam tiến, SAM đầu tư resort Đà Lạt, REE xây dựng khu phức hợp, Savico tiến quân ra Bắc... Chứng khoán đang trở thành kênh huy động vốn hiệu quả nhất cho bất động sản.

Vincom Nam tiến, SAM đầu tư resort Đà Lạt, REE xây dựng khu phức hợp, Savico tiến quân ra Bắc... Chứng khoán đang trở thành kênh huy động vốn hiệu quả nhất cho bất động sản.

Mùa đại hội cổ đông qua thống kê chưa đầy đủ cũng thấy trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp trên cả hai sàn có tới già nửa đưa ra phương án tập trung đầu tư cho bất động sản.

REE đặt mục tiêu mỗi năm phát triển 30.000 m2 diện tích văn phòng cho thuê, đến cuối năm 2008 nắm khoảng 100.000 m2 căn hộ, khách sạn, trung tâm thương mại. Dự án khu phức hợp với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD đang được doanh nghiệp này xây dựng.

Sacom mới đây thông báo triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Sacom Resort Đà Lạt, vốn đầu tư 160 tỷ đồng. Hai dự án khác là khu đô thị mới và cao ốc văn phòng đang ở giai đoạn đàm phán với các đối tác. Một tên tuổi khác là Savimex đang dốc lực đầu tư cho 3 dự án căn hộ cao cấp tại TP HCM

Trong báo cáo tài chính của những doanh nghiệp này, ngành nghề chính như cơ điện lạnh (REE), cáp viễn thông (SAM), gỗ (Savimex) mờ nhạt, trong khi các con số liên quan đến kinh doanh bất động sản rất khả quan. Sức hấp dẫn từ thị trường địa ốc lớn đến mức nhiều thương hiệu như nhiệt điện Phả Lại, nước giải khát Chương Dương, Viettronic Tân Bình, giấy Viễn Đông, Sơn Đồng Nai... cũng công bố kế hoạch đầu tư vào bất động sản.

Các doanh nghiệp bước đầu thành công trong lĩnh vực bất động sản song chưa có thương hiệu trên sàn cũng không bỏ lỡ cơ hội mở rộng kinh doanh. Vincom mới đây công bố triển khai một loạt dự án như Tòa HH1 cạnh tháp đôi Vincom, Khu du lịch sinh thái và sân golf Long Biên, nâng cấp cải tạo công viên Thống Nhất, Khu đô thị mới Bắc sông Hồng, hệ thống cao ốc văn phòng tại quận 1, trung tâm TP HCM… với tổng vốn dự kiến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vincom cho hay, một trong những hướng huy động vốn của doanh nghiệp là phát hành cổ phiếu và niêm yết tại sàn TP HCM. Ngoài ra, doanh nghiệp tập trung tìm kiếm vốn từ các ngân hàng. Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và Vincom đã ký kết thỏa thuận hợp tác đồng hành, cùng tham gia dự án thành lập công ty chứng khoán và triển khai một loạt dự án bất động sản nói trên.

Nhận diện cổ phiếu bất động sản

Trên hai sàn giao dịch, nhiều mã cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được xếp trong nhóm blue-chip, có giá thị trường khá hấp dẫn và tính thanh khoản cao như REE, SAM, GMD, ITA, SJS, SDA... Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Biển Việt, nhóm cổ phiếu bất động sản có chỉ số rủi ro cao nhất trong 10 nhóm ngành đại diện cho nền kinh tế (0,25). Chỉ số này tương đương với nhóm cổ phiếu tài chính. Rủi ro cao, lợi nhuận lớn, tỷ suất lợi nhuận trung bình của nhóm cổ phiếu bất động sản đạt 0,71, cao nhất thị trường (nhóm tài chính chỉ đạt 0,56).

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP HCM nhận định, nhắm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp đang sở hữu tòa nhà văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại ở các vị trí đắc địa, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào khoản lãi ròng hàng năm từ khai thác diện tích này mà còn tính đến tiềm năng tăng giá trị bất động sản trong tương lai.

Hấp dẫn song các chuyên gia cũng cảnh báo không phải cổ phiếu bất động sản nào cũng có triển vọng tốt vì những doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, tiềm lực yếu sẽ khó theo kịp các thương hiệu lớn, nhất là khi các đại gia nước ngoài nhảy vào thị trường trong thời gian tới. Thực tế giao dịch trên thị trường OTC cho thấy, vào cuối 2006, đầu 2007 nhà đầu tư chào mua/bán tới gần 100 loại cổ phiếu, hiện giờ thị trường sàng lọc chỉ còn 10-15 loại có tính thanh khoản.

(Theo KT&ĐT)

Theo dòng sự kiện:
Đổ xô mua cổ phiếu bất động sản
Chứng khoán tiếp tục đổ vào BĐS
Vốn BĐS vẫn chảy vào chứng khoán
BĐS và chứng khoán ràng buộc
Bỏ sàn chứng khoán sang địa ốc

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu