Thế nhưng, đến nay, nhiều dự án chuyển đổi này không có người mua, thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc chuyển đổi này để được miễn tiền sử dụng đất rồi không thực hiện xây dựng, khiến quỹ đất nhiều năm bị bỏ hoang.
|
Bamboo Garden, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Quốc Oai,
Hà Nội vắng bóng người mua. Ảnh: Duy Bách. |
Đi trên các trục đường của Thủ đô Hà Nội, người ta không khó để gặp những tấm biển quảng cáo rao bán nhà ở xã hội được treo trên các cây xanh dọc đường hoặc trên những cây cột điện. Nội dung trên những mẩu quảng cáo đó rất hấp dẫn như: có giá bán từ 480 triệu đồng/căn, được hỗ trợ vay vốn đến 75% giá trị căn hộ.
Dự án Bamboo Garden của Công ty CP Đầu tư C.E.O được khởi công xây dựng vào tháng 6/2013. Tại thời điểm này, dự án được quảng cáo hết sức rầm rộ, thậm chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam còn nhận định, đây là một trong những dự án NƠXH đáp ứng tốt được nhu cầu nhà ở cho người dân trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận.
Ra mắt rất hoành tráng, nhưng dự án lại rơi vào tình trạng “đắp chiếu” đến cả hơn 2 năm và đến nay mới được triển khai thi công.
Một nhân viên thuộc ban quản lý của dự án này cho biết, làm nhà ở thương mại không có ai mua mà tiền sử dụng đất lại cao. Nhưng, dù dự án đã được chuyển sang làm NƠXH vẫn khó có thể thoát được tình trạng ế ẩm.
Theo thông tin từ phía đại diện của một Công ty địa ốc thì, việc đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội cũng nhận được nhiều từ sự ưu ái nhất từ các chủ trương chính sách nhắm giải cứu BĐS của nhà nước, trong đó, điển hình là ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, hiên có 21 dự án trên địa bàn Hà Nội đăng ký chuyển đổi từ hình thức nhà thương mại sang NƠXH, trong đó, số dự án được chấp thuận chuyển đổi là 5 và có hàng chục dự án được chấp thuận về chủ trương. Nhưng có một thực tế đáng buồn đang xảy ra, đó là, khi đã được nhà nước tạo điều kiện và hưởng những ưu đãi về tiền sử dụng đất, nhưng nhiều dự án lại “chây ỳ” trong việc triển khai. Đơn cử là Dự án AZ Thăng Long trên trục Quốc lộ 32 của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long. Ban đầu, dự án này là nhà ở thương mại, vốn đã vướng vào những vụ lùm xùm như huy động vốn trái phép từ khách hàng và triển khai chậm tiến độ. Đến tháng 1/2014, khi dự án được chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhận được nhiều ưu đãi hơn về chính sách cũng như nguồn vốn, song dự án vẫn gần như “án binh bất động” và không cho người ta thấy bất kỳ một sự thay đổi nào.
Tương tự vậy, dù được chấp thuận chuyển đổi sang làm NƠXH từ ngày 11/3/2013, nhưng đến nay, dự án Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu vẫn chưa hoàn thành xong khâu giải phóng xong mặt bằng.
Vậy, phải chăng, động thái xin chuyển đổi rồi “ngâm” dự án thực chất chỉ là chiêu trò “găm đất” của chủ đầu tư như một số chuyên gia trong ngành nhận định hay không?
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Long, những dự án lập đơn xin chuyển đổi hầu như đều là những dự án không có khả năng thực hiện trong giai đoạn thị trường đóng băng. khi được chuyển đổi sang hình thức NƠXH, chủ đầu tư sẽ nhận được những ưu đãi nhất định như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT và được vay vốn ưu đãi… Song, rất có thể đây chỉ là chiêu của nhà đầu tư nhằm "găm" đất đợi khi thị trường thực sự ấm lên sẽ chuyển đổi ngược lại từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để thu lợi nhuận.
Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội Vũ Ngọc Đạm lại không nghĩ như thế. Ông cho rằng, khó có thể xảy ra tình trạng cố tình chây ỳ, triển khai dự án chậm trễ để giữ đất từ chủ đầu tư, mà vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là các thủ tục hành chính đang làm khó các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Đạm cũng không phủ nhận việc giá trị của những chủ trương từ Chính phủ sẽ bị mất đi từ động thái “ngâm” dự án quá lâu từ phía chủ đầu tư.
Trước tình trạng đó, Sở Xây dựng đã được UBND TP Hà Nội yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các dự án NƠXH, gồm các nội dung: Thẩm định tiến độ dự án, tiến độ dự án cần được chủ đàu tư cam kết đảm bảo và sẽ tiến hành thu hồi đối với những dự án không triển khai tốt.