Thông tin nhà đất tại Việt Nam đã cải thiện hơn.
Trước đó, nhóm chuyên gia WB đã tiến hành khảo sát tại các cơ quan quản lý đất đai và trên trang web của 63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá thực tế việc công khai thông tin đất đai tại 321 xã, phường trực thuộc 126 huyện trên cả nước.
Bà Trần Thị Lan Hương, đại diện nhóm nghiên cứu WB cho biết, việc công khai thông tin đất đai của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây có nhiều cải thiện, hoạt động mua bán đất và tài sản gắn liền với đất được nâng cao về tính minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng công chức chịu trách nhiệm ở một số nơi không cung cấp thông tin về đất đai cho người dân theo quy định.
Báo cáo WB cho thấy, công khai thông tin đất đai dù đã có những cải thiện, thay đổi tích cực (đặc biệt là ở những địa phương có mức độ phát triển hơn với các nguồn thông tin trực tuyến dồi dào) nhưng hoạt động này ở Việt Nam vẫn cần minh bạch hơn nữa.
WB khuyến cáo, Việt Nam cần sớm đưa quyền tiếp cận thông tin vào luật, quy định mọi thông tin về đất đai đều phải công khai, trừ những thông tin nằm trong danh mục ngoại lệ.
Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, bà Vitoria Kwa Kwa, Việt Nam sẽ sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai nếu nâng cao tính minh bạch trong quản lý đất đai. WB hy vọng những khuyến nghị thiết thực về công khai thông tin trong quản lý đất đai sẽ giúp việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân trong thời gian tới được cải thiện.
Đưa ra đánh giá về kết quả nghiên cứu của WB, Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: Kết quả nghiên cứu về công khai thông tin đất đai của WB sẽ được Bộ sử dụng làm nguồn tư liệu tham khảo trong công tác quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai đến người dân và doanh nghiệp.