SearchNews

Cư dân chung cư Keangnam đang “ngồi trên đống lửa” với hơn 100 tỷ đồng

13/05/2014 07:19

Đến nay, chủ đầu tư của Keangnam vẫn chưa bàn giao số tiền 2% quỹ bảo trì cho Ban quản trị khu chung cư, khiến cư dân tại đây như “ngồi trên đống lửa” khi có thông tin tập đoàn này có thể bị phá sản.

Đứng trước thông tin tòa nhà Keangnam Landmark 72 bị rao bán, những người dân đã mya chung cư nơi đây đang sống trong tâm trạng của người ngồi trên đống lửa, bởi, Ban quản trị chung cư vẫn chưa nhận được số tiền 2% quỹ bảo trì từ chủ đầu tư.

Ban Quản trị chung cư của Keangnam cho biết, giá của 922 căn hộ cao cấp tại đây trung bình là 60 triệu đồng/m2, tổng phí bảo trì lên tới 160 tỷ đồng, đó là chưa kể đến lãi suất ngân hàng. Trong hợp đồng mua bán nhà của dự án này, khi mua căn hộ ở Keangnam, khách hàng đã đóng phí bảo trì là 2%.

Keangnam Vina
Toàn bộ bản trả lời mà Keangnam Vina gửi đến Ban Quản trị chung cư. Ảnh: Lưu Huyền

Tuy nhiên, đến nay, dù Ban Quản trị của chung cư đã thành lập được 4 năm, nhưng họ vẫn chưa nhận được khoản tiền hoàn trả quỹ bảo trì này từ đơn vị chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Keangnam Việt Nam (Keangnam Vina).

Thường trực Ban Quản trị của chung cư Keangnam, ông Phạm Văn Công cho biết: Ban Quản trị đã gửi thư cũng như đề nghị gặp trực tiếp Chủ đầu tư để trao đổi, nhưng thư thì không được hồi âm, gặp thì bị từ chối. Sau khi gửi đi 8 công văn thì đến tháng 3/2015, Ban Quản trị đã gửi mới nhận được công văn trả lời công nhận số tiền quỹ bảo trì là 125 tỷ từ chủ đầu tư, trong đó, 1,7 tỷ đồng đã được bỏ ra để duy tu các hạng mục của tòa nhà trong 4 năm qua.

Ban Quản trị của chung cư Keangnam
Thường trực Ban Quản trị của chung cư Keangnam, ông Phạm Văn Công. Ảnh: Lưu Huyền

Đồng thời, nội dung văn bản trả lời mà Công ty Keangnam Vina gửi đến Ban Quản trị tòa nhà cũng đã đề nghị sẽ trả dần số tiền 125 tỷ đồng đó cho Ban quản trị của cư dân trong vòng 25 năm, 5 tỉ đồng/năm, vì họ không có đủ khả năng để trả toàn bộ số tiền đó trong cùng một lúc. 

Song, đề nghị trên không được cư dân của chung cư Keangnam chấp nhận, bởi, số tiền 5 tỷ đồng/năm còn thấp hơn cả lãi ngân hàng. Đặc biệt hơn nữa, khi thông tin tập đoàn Keangnam đang rao bán tòa Keangnam Landmark 72 với hơn 770 triệu USD được báo chí Hàn Quốc và Việt Nam đưa rầm rộ, thì người dân ở đây càng đứng ngồi không yên vì khoản tiền phí bảo trì kia vẫn chưa thấy đâu.

Ông Đoàn Kỳ Thụy, một cư dân sống ở căn A2110 của chung cư Keangnam không khỏi bức xúc nói: Ban Quản trị chung cư gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ sự phản hồi nào từ các đơn vị trên. Vì vậy, Ban Quản trị và các cư dân nơi đây đã cùng nhau gửi thư “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ để thể hiện sự mong mỏi được giúp đỡ đảm bảo vấn đề quyền lợi.

cư dân sống tại căn hộ A2110 của chung cư Keangnam
Ông Đoàn Kỳ Thụy, một cư dân sống tại căn hộ A2110 của chung cư Keangnam. Ảnh: Lưu Huyền

Từ đó, ông Thụy cũng đưa ra kiến nghị: Mong muốn nhất của cư dân hiện nay là phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cho phép chuyển đổi tài sản cho chủ nhân khác thì buộc họ phải thực hiện thanh toán mọi khoản nợ nần rồi mới được phép chuyển đổi. Số tiền 2% ấy nhất định phải được đưa vào quỹ chung để đảm bảo công tác bảo trì của tòa nhà chung cư này.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và luật sư, đúng theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư buộc phải có trách nhiệm hoàn trả 2% phí bảo trì cho Ban Quản trị của chung cư. Tuy nhiên, việc thực hiện này vẫn chưa thực sự nghiêm túc theo đúng luật định.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, hiện Công ty Keangnam Vina đang là chủ nợ và phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ khoản tiền 2% phí bảo trì cho cư dân sống tại chung cư này. Các cư dân cần gửi đơn kiến nghị lên phía cơ quan chức năng để đưa ra những biện pháp xử lý, thậm chí, có thể kiện trường hợp này ra tòa.

Bản đề xuất của Keangnam Vina
Bản đề xuất của Keangnam Vina về tiến độ trả tiền phí bảo trì. Ảnh: Lưu Huyền

Trong tình thế gấp rút như hiện nay, Ban quản trị chung cư có thể yêu cầu tòa án tiến hành kê biên, thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời để giữ lại số tiền nào đó ở đâu đó trong tài khoản. Trường hợp không có tiền thì đương nhiên khoản nợ này sẽ được chuyển cho chủ mới và người chủ mới sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trả nợ cũng như quyền của người tiếp quản, luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm.

Những cư dân sống ở khu chung cư Keangnam cho rằng, do các cơ quan chức năng chưa giám sát nên chủ đầu tư đã lợi dụng tình thế để sử dụng khoản phí trên sai mục đích, trì hoãn việc trả lại. Bài học để lại từ chung cư Keangnam là, cần phải có đưa ra những giải pháp thực sự căn cơ hơn để quyền lợi chính đáng của người dân ở chung cư được đảm bảo hơn.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu