Savills cho biết, nguồn cung phòng khách sạn tại Đà Nẵng trong quý I/2015 đã tăng 7%, giá trung bình giảm 5% so với nằm 2014. Còn thị trường biệt thự nghỉ dưỡng không ghi nhận dự án mới nào gia nhập thị trường.
TP. Đà Nẵng đang bước vào mùa du lịch cao điểm, vì vậy, nguồn cầu có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, tổng số khách du lịch đến Đà Nẵng trong quý I/2015 là 878.076 lượt, tăng lên 17,3% theo năm. Trong đó, lượt khách quốc tế là 313.096 lượt, tăng lên 14,7% theo năm; lượt khách nội địa là 564.980 lượt, tăng lên 18,9% theo năm.
Đà Nẵng hiện tiếp đón 21 đường bay trực tiếp, trong đó, có 8 chuyến bay trực tiếp thường kỳ. Số lượng khách di lịch tới Đà Nẵng bằng giao thông hàng không ngày càng tăng mạnh mẽ, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước đó.
Thực tế đó đã trở thành một điểm thuận lợi để Đà Nẵng thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, đặc biệt là đầu tư vào loại hình bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn.
Nguồn cung bất động sản trên thị trường Đà Nẵng cũng đang cho thấy sự tăng lên rõ nét. Theo số liệu báo cáo từ Savills về thị trường bất động sản tại Đà Nẵng trong quý I/2015, Đà Nẵng có tất cả 56 khách sạn từ 3 đến 5 sao, đạt khoảng 6.450 phòng, so với cùng kỳ năm 2014 đã tăng thêm 7%.
Trong đó, có 3 khách sạn mới tham gia thị trường, chính thức được xếp hạng, gồm 1 khách sạn 5 sao, cung cấp 285 phòng; 2 khách sạn 3 sao, cung cấp 140 phòng. Khách sạn 3 sao vẫn tiếp tục đạt tỷ lệ cao nhất trên thị trường khách sạn với 41%, tiếp đến là 5 sao với 38%, theo sau là 4 sao với 21%.
Tại Đà Nẵng, nguồn cung phòng khách sạn tập trung chủ yếu ở 2 khu vực chính là trung tâm thành phố và vùng ven biển Mỹ Khê, tỷ lệ chia đều cho mỗi khu.
Nguồn cung của phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong quý vẫn ở mức 927 căn đến từ 16 dự án từ năm 2012 đến nay vẫn không đổi.
Nguồn cung tăng đã khiến giá phòng khách sạn bình quân giảm 5% so với năm ngoái với mức khoảng 1,75 triệu đồng/phòng/đêm. Công suất trung bình trên toàn thị trường đạt mức khoảng 48%, giảm 4%, dẫn tới doanh thu phòng trung bình (RevPAR) cũng giảm đến 12% so với 2014.
Song, động thái giảm này chủ yếu diễn ra tại phân khúc khách sạn 3 và 4 sao, với tỷ lệ giảm đến 45%, riêng phân khúc 5 sao lại có RevPAR tăng lên 8% nhờ công suất trung bình tăng thêm 8 điểm %.
Savills cũng dự báo, từ quý II/2015 trở đi sẽ có thêm 37 dự án gia nhập vào thị trường khách sạn tại Đà Nẵng, đạt khoảng 6.370 phòng, tương đương 99% tổng cung hiện tại và được cho sẽ là yếu tố gây nên sức ép cho thị trường trong tương lai.
Dự kiến, đến năm 2016, sẽ 3 dự án khách sạn 5 sao mới tham gia vào thị trường, cung cấp khoảng 1.156 phòng.
Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhận định Đà Nẵng vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển bất động sản. Bởi, hệ thống giao thông thuận tiện, có kết nối đồng bộ từ sân bay quốc tế đến những khi vui chơi giải trí, sân golf, casino, bãi biển…; chính sách của Chính phủ về sở hữu bất động sản tại Việt Nam đối với người nước ngoài có hiệu lực vào tháng 7 tới đây tạo nên hy vọng về một nguồn cầu tiềm năng mới.