Hàng trăm khu dân cư, khu đô thị tại TP.HCM vẫn vắng bóng người, cỏ mọc um tùm dù đã được triển khai từ hàng chục năm nay. Điều khá lạ lùng là dù “bỏ hoang”, nhưng giá đất ở những dự án này vẫn được rao bán với mức giá ngày càng tăng.
Theo thống kê của tổng giám đốc một công ty địa ốc, hiện trên địa bàn quận 2 có khoảng 40 dự án khu đô thị, khu dân cư; quận 9, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… mỗi nơi cũng có gần 20 dự án. Có khoảng 90% trong số đó là dự án đất nền và phần lớn bị bỏ hoang; một số ít dự án có người ở, nhưng thưa thớt.
Không người
Điển hình như dự án khu dân cư Huy Hoàng, diện tích khoảng 40ha ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, có vị thế đắc địa (gần trung tâm hành chính của quận 2) nên được giới đầu cơ và người dân săn đón. Chính vì vậy, năm 2003 khi chủ đầu tư tung hàng, ngay lập tức đã bán hết vèo. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn là một khu đất trống cỏ mọc lút đầu người, chỉ lèo tèo vài căn hộ được xây dựng. Ngoài ra, chủ đầu tư đã cất một căn chòi lá ở giữa dự án và thuê bảo vệ chỉ có nhiệm vụ giữ đất.
Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM đã ra “tối hậu thư” yêu cầu chủ đất phải xây nhà và không được mua bán đất khi chưa có sổ hồng. Bất chấp lệnh cấm trên, đất nền ở đây vẫn được sang tay khá rầm rộ.
Rời dự án trên, chúng tôi đến khu vực quận 9, nơi được xem là “thiên đường” dự án đất nền. Tại dự án khu nhà ở đại học Bách khoa TP.HCM, những lô nền được chia với diện tích 5 x 24m, trong đó chỉ lác đác vài ba căn hộ được xây dựng. Hạ tầng còn khá ọp ẹp, đường xuống cấp, tại nhiều lô đất bỏ hoang lau sậy mọc đầy.
Theo nhân viên ở trung tâm môi giới nhà đất Điền Thổ, dự án đã bán hết cách nay khoảng mười năm. Do vậy, hầu hết nền đất bán hiện nay đều do khách hàng ký gửi. Dự án này được xây dựng với mục đích phục vụ cho cán bộ, công nhân viên trường đại học Bách khoa TP.HCM. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện phần lớn các lô đất ở đây đều do giới đầu cơ nắm giữ.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cho biết đã mua đất ở quận 2, 9 từ lâu nhưng chưa dám xây nhà là do trường học, bệnh viện, công viên, chợ… chưa được xây dựng. Chị Lan, một hộ dân mới dọn về khu đô thị đại học Bách khoa TP.HCM nói do dự án không có người quản lý nên các thành phần bất hảo thường chọn nơi đây là bãi đáp. “Hở ra cái gì là mất. Đó là chưa kể từ ngày dọn về đây cả gia đình vất vả để chiến đấu với muỗi”, chị Lan than phiền. Nhiều hộ dân ở các khu đô thị khác cũng cho hay, những dịch vụ tiện ích không có nên muốn mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí… phải đi rất xa mới có.
Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch công ty địa ốc Vinaland, cho rằng nhiều dự án hoang hóa là do những người mua đất chủ yếu là dân đầu tư. Trong khi đó, do chủ đầu tư đã bán hết đất rồi nên không còn quyền lợi để có động lực chăm sóc, phát triển tiếp dự án. “Ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Trung Sơn… sở dĩ có nhiều người ở là do chủ đầu tư đã chủ động đầu tư các dịch vụ như trường học, bệnh viện, dịch vụ kinh doanh… từ trước, sau đó mới bán nhà đất cho dân. Còn ở những khu dân cư khác của thành phố đang làm điều ngược lại”, ông Hoàng phân tích.
Tiếp tục “thổi” giá đất
Mặc dù nhiều dự án vẫn “vườn không nhà trống”, nhưng theo giới đầu tư, các lô đất nền vẫn tiếp tục được sang tay, làm cho giá đất bị đẩy lên chóng mặt. Tại dự án khu dân cư Huy Hoàng, nếu vào năm 2003 khi chủ đầu tư đưa ra thị trường giá bán chỉ khoảng 3 triệu đồng/m2, thì đến nay đã được rao bán khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2, thậm chí những nền đẹp lên đến 60 triệu đồng.
Ở dự án khu nhà ở đại học Bách khoa TP.HCM, giá gốc chủ đầu tư bán cho cán bộ, công nhân viên của trường vào năm 2000 khoảng 700.000 đồng/m2. Những người này bán ra thị trường với giá hơn 1 triệu đồng/m2 và sau nhiều lần sang tay hiện giá đã đội lên khoảng 15 triệu đồng/m2.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường nhà đất tại TP.HCM đóng băng, giá rao bán đất nền khu vực quận 2, 9, huyện Nhà Bè và Bình Chánh lại liên tục tăng giá. Lý giải vì sao giá đất tăng, ông Trần Minh Hoàng cho rằng, do khi chủ đầu tư triển khai dự án, những khu vực trên chỉ là đất ruộng, nên giá đất còn rẻ. Nay sau một thời gian dài Nhà nước đầu tư hạ tầng vào những vùng này, cộng với những chiêu làm giá của giới đầu tư, nên giá đất bật lên. Tuy nhiên, theo giải thích của anh Thanh, nhân viên sàn giao dịch địa ốc Hương Lan, mức giá tăng chỉ là do giới đầu cơ đất “thổi” giá.
Bà Đỗ Thị Loan, tổng thư ký hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong một lần trao đổi với chúng tôi cho biết, mặc dù chỉ là những khu đô thị bỏ hoang cho cỏ mọc, nhưng các chủ đầu tư sống khoẻ từ việc thu khoản phí môi giới 1 – 2%/tổng giá trị hợp đồng (nếu ký gửi tại sàn) và thu thêm khoản phí sang tên hợp đồng 2% tổng giá trị hợp đồng tính theo giá gốc. “Số tiền này có thể nuôi cả bộ máy của công ty”.
(Theo SGTT)