Chỉ sau 1 tháng, nhiều mảnh đất tại quận 9, TP.HCM đã tăng giá tới 50%.
Ảnh: Việt Dũng
Hưởng lợi từ hạ tầng
Quận 9 cách trung tâm Thành phố khoảng 7 km theo xa lộ Hà Nội, có hướng Đông giáp huyện Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ranh giới tự nhiên là sông Đồng Nai; hướng Tây giáp quận Thủ Đức; hướng Nam giáp quận 2 và hướng Bắc giáp thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Chính nhờ tính chất liên thông trực tiếp như vậy, quận 9 có khả năng kết nối nhanh chóng tới trung tâm Thành phố, cũng như ngoại tỉnh. Thông qua tuyến xa lộ Hà Nội, quận 9 hưởng lợi trực tiếp từ tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên vào trung tâm Thành phố.
Khu đất trên đường Nguyễn Xiển tháng trước có giá 600 triệu đồng, nay đã được hét giá lên tới 900 triệu đồng. Một khu đất khác tháng trước có giá 580 triệu đồng, nay đã tăng lên gần 700 triệu đồng |
Thêm vào đó, nhờ gần kề tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và trục Quốc lộ Bắc Nam, nên dễ dàng di chuyển đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, việc kết nối giữa Bình Dương - TP.HCM - Nhơn Trạch thuận tiện hơn nhờ tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch).
Hơn nữa, một trong những yếu tố thúc đẩy quận 9 trở thành điểm đến của những nhà đầu tư là hệ thống tiện ích xã hội đầy đủ như Đại học Quốc gia, Đại học Long Phước, Đại học FulBright, siêu thị Coop Mart, Aoen Mall, Khu du lịch Suối Tiên…
Với những lợi thế về hạ tầng và vị trí, bất động sản quận 9 đã trở thành điểm sáng của thị trường khu Đông nói riêng và thị trường TP.HCM nói chung trong thời gian qua.
“Cò” đất tung hoành
Không thể phủ nhận sự phát triển của hạ tầng giúp bất động sản quận 9 có sức hút lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho một số bộ phận môi giới, hoặc “cò đất” thổi giá, tạo nên những con sốt nóng của thị trường trong thời gian qua.
Với những khu đất có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cũng như được hưởng lợi ích từ cách tiện xung quanh, việc tăng giá là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có những mảnh đất có vị trí rất xa với những tuyến đường chính, không tiện ích kèm theo, vẫn được các “cò” đẩy giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Cuối tuần qua, vào vai người có nhu cầu tìm mua đất xây nhà khu vực đường Nguyễn Xiển và Nguyễn Duy Trinh (quận 9), phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được một môi giới dẫn đi xem một dự án đất nền trên đường Nguyễn Xiển. Đây là dự án tháng trước phóng viên cũng khảo sát, nhưng hiện nay mức giá đã tăng lên chóng mặt. Khu đất tháng trước có giá 600 triệu đồng, nay đã được hét giá lên tới 900 triệu đồng. Cách đó không xa, khu đất khác tháng trước có giá 580 triệu đồng, nay đã tăng lên gần 700 triệu đồng.
“Đất ở đây tất cả đều có sổ hồng riêng lẻ, xây dựng thoải mái, giá chỉ 18 - 20 triệu đồng/m2, diện tích đa dạng từ 50 - 100 m2. Nếu anh mua đầu tư thì chốt ngay, đảm bảo sau 2 tháng công ty ra hàng. Lúc đó anh có thể thu về khoản chênh lệch 50 - 100 triệu đồng/nền”, nhân viên môi giới chìa ra một bản quy hoạch phân lô và quả quyết về khả năng đầu tư sinh lợi ngọt ngào.
Tiếp tục đi sâu vào khu vực gần cảng Long Bình, với lý do một số dự án hạ tầng giao thông như mở rộng các tuyến đường, xây cầu và các dự án khu đô thị quy mô hàng nghìn héc-ta chuẩn bị triển khai, nhiều sàn môi giới khi chào bán đất nền đều kèm theo câu "không mua ngay bây giờ, một giờ sau giá sẽ khác ngay".
Một "cò" đất tên Hoàng dẫn chúng tôi tham quan dự án khu dân cư đã được xây dựng hơn 7 năm nay, nhưng “trùm mềm” thời gian dài, nay mới tái khởi động. Mặc dù dự án này bốn bề chỉ là cỏ dại, một vài con đường nội bộ được cải tạo lại, phần lớn các khoảng đất trống đang dành cho... trâu bò, nhưng các môi giới nói rằng, giá đất đang tăng từng ngày.
"Hiện chủ đầu tư đang tái đầu tư vào đây nhằm tận dụng cơ hội thị trường đang lan mạnh đến quận Thủ Đức, nhờ vào tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, cảng Long Bình có khả năng sẽ được di chuyển... Giá chào bán ở đây 2 tháng trước chỉ tầm 13 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên đến 19 - 20 triệu đồng/m2", cò đất tên Hoàng cho biết.
Trước thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng "thổi giá" này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Cái lợi chỉ có giới đầu tư và sàn môi giới hưởng, nhưng cái hại thì người dân, ngân hàng và cả thị trường gánh.
“Cái quan trọng nhất, nhiều dự án này đa phần pháp lý chưa chuẩn, nhưng do chạy theo những thông tin về hạ tầng giao thông, các dự án lớn sắp được triển khai, 'cò' đất tha hồ 'bơm thổi'”, ông Châu đánh giá.