Những ảnh hưởng của hàng loạt các vụ vỡ nợ tín dụng cá nhân quy mô lớn gần đây đều liên quan đến bất động sản khiến diễn biến của thị trường ngày càng thêm xấu.
Dưới sức ép nợ vay ngày một căng thẳng, không chỉ cá nhân mà các doanh nghiệp trong ngành cũng bắt đầu bán tháo tài sản với giá trị thấp hơn thị trường.
Cụ thể, dự án căn hộ Petro Vietnam Landmark của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí đã công bố mức giá bán mới giảm tương đương 35% so với giá bán ban đầu.
Có thể nói, đây là dự án giảm giá mạnh nhất với quy mô lớn nhất (85 căn hộ) kể từ đầu năm cho đến nay. Bình luận sự kiện này, giới quan sát cho biết nhiều khả năng xuất hiện làn sóng giảm giá, bán tháo dự án trong hai tháng cuối năm khi một số dự án đến thời gian đáo hạn.
Theo các chuyên gia, bong bóng tài sản ở các thị trường Âu, Mỹ phát nổ khi thị giá sụt giảm xuống 30% và bắt đầu thời kỳ lao dốc không phanh.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam lại có những đặc thù rất riêng do tác động của lạm phát, đồng tiền mất giá khiến dòng tiền tư nhân đổ xô vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản gắn liền với đất để giữ an toàn cho đồng tiền nhàn rỗi.
Vì vậy, mặc dù thị trường đóng băng kéo dài nhưng mặt bằng giá nhìn chung vẫn chưa thể giảm mạnh. Qua đó cho thấy, dòng tiền đầu tư trong dân vẫn còn nhiều và nhu cầu đầu tư là có thực. Vấn đề đặt ra là làm sao để điều chỉnh dòng tiền này chảy vào đúng nơi, giải được cơn khát vốn là thách thức đối với cơ quan quản lý.
Nhà nước và ngân hàng tham gia điều tiết thị trường
Theo các chuyên gia, việc ổn định thị trường bất động sản có ý nghĩa quan trọng không kém đối với mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, bởi thị trường này thường tập trung nhiều hoạt động mua bán rủi ro.
Trong bối cảnh nguồn vốn khan hiếm, việc Nhà nước cùng ngân hàng điều tiết nguồn tiền một cách hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy thị trường chuyển động một cách lành mạnh.
Nhà nước nên dừng việc đầu tư, cấp phép các dự án mới; trong khi đó ngân hàng sẽ tập trung hỗ trợ tín dụng đối với các dự án gần hoàn thiện.
Các chuyên gia nhận định, bất động sản không cần một lượng tiền lớn mới có thể khởi sắc mà thông qua việc sàng lọc, phân loại và thẩm định các khoản vay, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án khả thi, thương hiệu mạnh… cũng sẽ tạo cho thị trường một lối ra mới.
Thay đổi cơ cấu nhà ở
Tuần qua, các công bố về quy hoạch vùng và thông tin về Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý theo dõi của các nhà đầu tư trên cả nước.
Trong đó, đáng chú ý là giải pháp chuyển đổi cơ cấu nhà ở trong tương lai, dịch chuyển từ nhà thấp tầng sang cao tầng, từ sở hữu để ở sang thuê để ở tại các đô thị lớn.
Hầu hết các nhà đầu tư dài hạn đều nhìn nhận thông tin quy hoạch như là định hướng để tham gia thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý các nhà đầu tư về tình trạng ngập úng ngày một gia tăng tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là sau những gì chúng ta chứng kiến qua trận lụt lịch sử tại Thái Lan.
Là một nước láng giềng có điều kiện tự nhiên và khí hậu tương tự Việt Nam nhưng hạ tầng đô thị hiện đại hơn, Thái Lan cũng không thể ứng phó được với tình trạng ngập úng triền miên trên diện rộng.
Vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng, nan giải hơn vì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu khi mực nước biển tăng.
Tuy nhiên, những nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng của đô thị Việt Nam đã tạo nên một địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á trong mắt nhà đầu tư nước ngoài trong vòng năm năm tới.
Tăng cường đầu tư
Khi phần lớn các nhà đầu tư đang thu hẹp hoạt động chờ tín hiệu tích cực từ thị trường thì các nhà đầu tư nhạy bén thường hành động ngược lại, họ tích cực mở rộng đầu tư và tìm kiếm cơ hội mua các bất động sản tốt.
Gần đây, hàng loạt các thông tin quy hoạch chung khắp các tỉnh thành được công bố với nhiều dự án kêu gọi đầu tư hoặc sang nhượng, đang mở ra nhiều cơ hội lớn.
Theo các nhà đầu tư này, giá bất động sản giảm là cơ hội rất tốt để đầu tư, đặc biệt là phân khúc thương mại và dân dụng bởi trong tương lai Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều người di chuyển đến sống ở các thành phố và tạo ra sức cầu lớn đối với nhà ở, trung tâm mua sắm và văn phòng.
Như vậy, ngoài việc chọn đúng kênh đầu tư, nhà đầu tư còn phải hiểu xu thế phát triển để từ đó có sự lựa chọn đúng: đúng khu vực và đúng dự án để bỏ vốn.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với các biện pháp tăng cường ổn định vĩ mô khá đồng bộ, về trung hạn tình hình kinh tế nhiều khả năng khôi phục trở lại. Khi đó, thị trường bất động sản tại một số khu vực có hạ tầng được đầu tư tốt sẽ tăng trưởng và cho mức lợi nhuận ổn định.
(Theo Doanh Nhan Sai Gon)