Khi thị trường bất động sản ngập trong khó khăn, vẫn có những đơn vị giới thiệu những căn hộ có giá bán hàng chục tỷ đồng.
Mới đây thôi, sau khi tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội công bố thông tin mở bán dự án D’.Palais de Louis nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đã có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh dự án này.
Một số cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm như hiện nay, những dự án có giá 2 -3 tỷ đồng/căn còn khó bán, huống chi căn hộ có giá gần 100 tỷ đồng. Rồi không ít người cho rằng, chủ đầu tư này đã “chơi ngông”, thậm chí là thiếu năng lực trong chiến lược kinh doanh bất động sản.
Tất nhiên, cũng có không ít ý kiến lại nhìn nhận ở góc độ khác, và cho rằng, đó là một chiến lược “ngược dòng”, vốn mang lại hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận khá cao đã từng được áp dụng ở một vài quốc gia có nền kinh tế mới nổi.
Còn với chủ đầu tư, bất luận dự luận bàn tán hay đồn đoán về họ như thế nào thì dự án trên vẫn thấy đang được triển khai, ngay cả trong điều kiện thị trường hiện tại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khoa, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, ngay từ khi khai trương căn hộ mẫu của dự án và công bố giá bán dự kiến khoảng 140 triệu đồng/m2, doanh nghiệp này đã phải đối mặt với nhiều nghi ngờ xung quanh tính thanh khoản của dự án cũng như năng lực tài chính, phương án bán hàng như thế nào, nhất là trong bối cảnh thị trường căn hộ vốn rất ế ẩm.
Thế nhưng, ông Khoa nói, ngay từ đợt mở bán đầu tiên, đã có 39 khách hàng đặt cọc tiền mua căn hộ với mức giá 145 triệu đồng/m2.
Lạ kỳ hơn cả, trong khi nhiều dự án bất động sản trên cả nước đang có xu hướng giảm giá bán, thì với dự án D’.Palais de Louis, chủ đầu tư cho biết, mức giá bán 145 triệu đồng/m2 chỉ áp dụng trong tháng chào bán đầu tiên, sau đó mức giá bán sẽ là 7.900 USD/m2 (tương đương hơn 164 triệu đồng/m2, theo tỷ giá hối đoái hiện nay 1 USD = 20.850 VND, chưa bao gồm VAT).
Tìm hiểu của báo chí cho thấy, ngoài Tân Hoàng Minh, phương thức bán hàng này hiện đang được một số chủ đầu tư dự án bất động sản nghĩ dưỡng vùng ven Hà Nội áp dụng nhằm thu hút một bộ phận khách hàng là giới đầu tư.
Cũng theo ông Khoa, khảo sát của doanh nghiệp này trước khi quyết định đầu tư dự án nói trên cho thấy, có đến 2/3 số người được hỏi đều mong muốn và khẳng định sẽ mua những căn hộ có diện tích lớn, dịch vụ tối ưu để cải thiện chỗ ở. Khoảng 1/3 số người cho biết có nhu cầu cải thiện chỗ ở trong 5 - 10 năm tới.
Đại diện Tân Hoàng Minh khẳng định, không phải doanh nghiệp này “mù mờ” đến mức không biết đến nhu cầu của thị trường trong tương lai như thế nào khi ném vào dự án đó gần 4.000 tỷ đồng chỉ để xây 200 căn hộ với nội thất được dát vàng và mang phong cách của một cung điện giữa trung tâm Hà Nội.
“Nếu 10 - 15 năm trước thì chắc chắn chúng tôi sẽ chọn phương án xây căn hộ giản đơn để bán, nhưng kinh tế và nhu cầu cuộc sống nay đã khác xưa rất nhiều. Chúng tôi cũng không dại gì liều lĩnh đến mức dám đánh cược cả danh tiếng và số phận của hàng chục, hàng trăm người đang đứng ra làm dự án siêu sang này. Hiện dự án đã bán thành công 20% trong số hơn 200 căn hộ”, ông Khoa cho hay.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải - chủ đầu tư dự án Flamengo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), cũng đã từng được giới trong nghề lẫn dư luận đánh giá là “chơi ngông”, khi đầu tư những căn biệt thư tại đây với giá bán hàng chục tỷ đồng. Thậm chí, có một số lượng biệt thự đáng kể tại đây có giá bán được chào ở mức 2 triệu USD, tương đương khoảng trên 40 tỷ đồng/căn.
Ít nhất thì cũng có một điều đáng khen, là cả hai trong số ít các chủ đầu tư bất động sản hạng sang nói trên đều tỏ ra khá bản lĩnh và quyết đoán khi quyết tâm theo đuổi dự án đến cùng, dẫu rằng họ phải đối mặt với vô số những khuyến nghị về tính thanh khoản của phân khúc này.
Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, mặc dù giá bán rất cao, nhưng sớm muộn phân khúc bất động sản hạng sang sẽ dần dần hình thành, với sự xuất hiện thêm một vài dự án bất động sản cao tầng độc đáo chỉ dành cho số ít khách hàng ở Hà Nội và Tp.HCM.
Mặt khác, nghiên cứu của công ty này cho thấy, ở thời điểm hiện tại, trên thị trường gần không có dự án hạng sang nào khác được triển khai mới, điều đó có nghĩa là trong tương lai 4 - 5 năm tới (thời gian đủ để phát triển một dự án) sẽ không có nhiều nguồn cung hạng sang, cũng là một yếu tố chỉ ra bản lĩnh và sự toan tính của một vài chủ đầu tư có dự án dạng này.
(Theo VnEconomy)