SearchNews

Đẩy mạnh xuất khẩu BĐS tại chỗ

23/09/2014 07:30

"Việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở VN là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển"

Hiện nay, tại Việt Nam (VN) có hơn 150.000 người nước ngoài vào cư trú và đầu tư, số lượng người gắn bó lâu dài và đủ khả năng mua nhà là rất lớn. Song cơ hội có được một căn nhà của mình trên đất Việt đối với họ còn gặp nhiều khó khăn bởi chính sách dành cho người nước ngoài mua nhà tại VN còn khắt khe. 

Khó mua nhà vì vướng thủ tục

Một thầy giáo người Canada tên là Richard J.Hebert đã sang VN thực hiện dự án "phát âm chuẩn bằng tiếng Anh" dành cho người Việt từ năm 2005. Tính đến nay, ông đã sống trên đất Việt gần 10 năm và dự án do ông thực hiện cũng đã được triển khai hiệu quả tại một số trường Đại học. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ông vẫn phải sống trong cảnh thuê trọ. Không phải vì ông không có ý muốn định cư lâu dài tại VN hay là không đủ kinh tế để mua nhà. Nguyên nhân chính ở đây là do chính sách mua nhà của Nhà nước ta dành cho người nước ngoài còn quá nhiều bất cập.

Ông Richard J.Hebert chia sẻ, không biết có người VN cho rằng người ngoại quốc là những người giàu có hay không, mà nhà ông thuê cứ một năm lại tăng giá 2 lần. Đến lúc quyết định mua nhà thì lại gặp phải những điều luật quá phức tạp, đến mức ông nghĩ cách quản lý nhà ở tại VN thật chẳng giống ai.

Richard J.Hebert nói, trong những năm cuối đời mình ông thích sống ở châu Á, tuy nhiên nếu nơi ở tại VN không ổn, ông sẽ chuyển sang Campuchia để sống.

Đẩy mạnh xuất khẩu BĐS tại chỗ
Cho người nước ngoài mua nhà cũng là xuất khẩu tại chỗ.

Cũng tương tự như trên, ông Nguyễn Trí Hiếu, là Việt kiều Mỹ đã về nước 5 năm nhưng vẫn phải sống trong cảnh thuê nhà. Lý do khiến ông không có được căn nhà cho riêng mình cũng bởi chính sách nhà nước VN còn quá khắt khe. Ông cảm thấy khó hiểu khi nhà nước vẫn phải hỗ trợ doanh nghiệp vực lại sức sống cho BĐS, nguồn cung còn dư thừa nhưng người nước ngoài muốn sở hữu một căn hộ lại rất khó khăn. Xuất phát từ kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS của mình, ông Hiếu góp ý, để giải quyết lượng hàng nhà ở cao cấp còn tồn kho, đồng thời tạo đà để thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển, VN chúng ta nên có những chính sách thông thoáng hơn tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu mua nhà.

Cho người nước ngoài mua nhà cũng là xuất khẩu tại chỗ

Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia kinh tế cho rằng việc nước ta nên nới lỏng chính sách đối với việc người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở tại VN là cần thiết. Bởi có nơi ở ổn định thì họ cũng mới yên tâm gắn bó, đầu tư và cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần nguồn lực để phát triển kinh tế thì việc thu hút đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN thì việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cái lợi. Bởi, nếu chúng ta phát triển thị trường BĐS theo hướng xuất khẩu tại chỗ thì sẽ thu được nguồn ngoại tệ khá lớn trong khi sản phẩm vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước. "Phân khúc BĐS cao cấp sẽ được kích hoạt mạnh mẽ nếu nới rộng điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà, đồng thời cũng giải quyết được lượng tồn kho lớn hiện nay của phân khúc này".

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh cho rằng nếu luật nhà ở dành cho người nước ngoài sắp tới thông thoáng hơn thì thị trường BĐS trong nước, đặc là phân khúc cao cấp sẽ sôi động lên rất nhiều. Bởi người nước ngoài và Việt kiều khi mua nhà thường hướng đến phân khúc này.  Đồng thời, "việc nới lỏng chính sách cho người nước ngoài mua nhà cũng chính là hoạt động xuất khẩu BĐS tại chỗ, tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển, góp phần tăng tổng tài sản quốc gia", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, từ góc nhìn của một chủ đầu tư có nhiều năm gắn liền với các dự án, công trình xây dựng, ông Hiền phân tích thêm: "Việc hạn chế người nước ngoài mua nhà không chỉ hạn chế sự phát triển của thị trường này mà còn ảnh hưởng đến ít nhất là 50 ngành liên quan như gạch, ngói, bê tông, cốt thép, điện, gỗ, nội thất ... Hơn thế nữa, nếu thị trường này không hoạt động cũng sẽ kéo theo một lượng lớn nguồn lao động bị thất nghiệp".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu