SearchNews

Doanh nghiệp bất động sản kiên trì vượt khó khăn

04/05/2013 21:14

Thị trường bất động sản khó khăn đẩy không ít chủ đầu tư đến bờ vực phá sản vì sản phẩm thiếu tính thanh khoản.

Theo Báo cáo của Tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills, diễn biến trên thị trường bất động sản Hà Nội thời gian gần đây cho thấy thị trường không đóng băng hoàn toàn. Những sản phẩm có đặc điểm phù hợp với nhu cầu khách hàng vẫn có “đất sống.”

Thị trường bất động sản khó khăn đẩy không ít chủ đầu tư đến bờ vực phá sản vì sản phẩm thiếu tính thanh khoản. Trong khi nhiều dự án phải giãn tiến độ, ngừng thi công, sang tên, chuyển nhượng thì các dự án của một số doanh nghiệp có chiến lược đầu tư bài bản và nhanh nhạy vẫn thu hút khách hàng và đứng vững trên thị trường.

Cụ thể, trong quý 1/2013, thị trường sơ cấp Hà Nội đón nhận 10.970 căn hộ từ 52 dự án, tăng 1% so với quý trước. Các quận Cầu Giấy, Hà Đông và huyện Từ Liêm vẫn là nguồn cung chính của thị trường thứ cấp, chiếm khoảng 51% thị phần. Tổng nguồn cung căn hộ tương lai khoảng 60.100 căn từ 110 dự án.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land nhận định thời gian tới, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh bởi khách hàng hiện rất kỹ tính. Họ chỉ bỏ tiền mua sản phẩm của các chủ đầu tư có uy tín, có đủ năng lực tài chính để xây dựng dự án đúng tiến độ.

Thời gian vừa qua, dự án Kim Văn-Kim Lũ do Xí nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư được coi như một “hiện tượng” của thị trường bất động sản. Theo thông tin từ Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh, kể từ ngày dự án bắt đầu mở bán (21/3/2013) cho tới nay, dự án này đã bán được 400/720 căn, với mức giá từ 10 đến 14,5 triệu đồng/m2 (tùy vị trí và diện tích).

Trước đó, các căn hộ tại dự án Đại Thanh (huyện Thanh Trì), cũng chủ đầu tư là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu sau một thời gian dài "sốt" giá, vẫn đang được nhiều khách hàng tranh mua và chấp nhận mức giá chênh lệch so với giá gốc từ 20 đến 80 triệu đồng/căn. Theo ghi nhận, những dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư luôn được rất nhiều khách hàng đón nhận và thường gây “sốt” trên thị trường trong thời gian dài.

Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, cho rằng nhiều doanh nghiệp bất động sản “chết” là do chi phí quá nhiều cho các khâu không cần thiết. Chẳng hạn như từ khâu thiết kế, lập dự toán, đến thi công, quản lý giám sát, các doanh nghiệp thuê trọn gói "từ A đến Z." Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn phải tốn một khoản không nhỏ cho việc trả lãi suất ngân hàng do quá phụ thuộc vào vốn vay.

Theo ông Thản, vốn ngân hàng chỉ là giải pháp cuối cùng, quan trọng vẫn phải dựa vào 3 nguồn vốn chính là vốn tự có, vốn huy động từ người mua và nguồn vốn của các nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Tất cả những khoản chi phí trên, các chủ đầu tư đều tính vào giá thành sản phẩm, vì vậy họ không thể hạ giá để giải phóng hàng tồn kho khi thị trường trầm lắng.

Lý giải việc khách hàng chen mua căn hộ tại các dự án do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư, ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land cho rằng các dự án này có lợi thế về vị trí hơn hẳn các dự án khác hiện nay, trong khi giá chào bán thấp, chỉ từ 10 đến 14,5 triệu đồng/m2. Ngoài ra, việc chủ đầu tư khẳng định được uy tín về tiến độ qua việc triển khai các dự án trước đó khiến nhiều khách hàng cảm thấy yên tâm khi mua các dự án này.

Một điểm đáng chú ý của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây là không chỉ những căn hộ có giá thấp mới thu hút khách hàng, trên thực tế, một số dự án căn hộ cao cấp cũng có nhiều giao dịch. Điển hình như dự án Royal City hay Mandarin Garden, dù có mức giá cao (trên dưới 40 triệu đồng/m2) nhưng vẫn được nhiều khách hàng quan tâm và giao dịch. Lý do đưa ra là các dự án có vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín và đặc biệt dự án đang trong quá trình hoàn thiện.

Năm vừa qua, thị trường bất động sản chứng kiến tiến độ thi công “thần tốc” của dự án Vincom Village. Chỉ nửa năm kể từ thời điểm công bố dự án, chủ đầu tư Tập đoàn Vingroup đã bàn giao các biệt thự đầu tiên cho khách hàng. Trong khi hàng loạt các dự án thiếu vốn, phải "đắp chiếu," chậm tiến độ, việc chủ đầu tư Vingroup thực hiện đúng cam kết tiến độ đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Theo CBRE Việt Nam, Vingroup có khả năng sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về thị phần thị trường bán lẻ Hà Nội nhờ hai dự án Vincom Megamall Royal City và Vincom Megamall Times City với tổng diện tích 437.000m2. Dự kiến Vincom Megamall Royal City sẽ khai trương vào tháng 7/2013 và trở thành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển các thương hiệu để qua đó khẳng định chất lượng dự án cũng như sản phẩm của mình được các nhà phát triển bất động sản trên thế giới thực hiện từ lâu. Việc đầu tư cho thương hiệu của Vingroup cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã cho thấy sự chuyên nghiệp của các nhà đầu tư này cũng như việc nắm bắt được xu hướng chung của thị trường, giúp doanh nghiệp đảm bảo được thành công trong dài hạn.

Sự thành công của các doanh nghiệp trên cho thấy, dù ở thời điểm nào thì những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, có những phương thức làm phù hợp sẽ vẫn tồn tại được trên thị trường trong giai đoạn khó khăn./.

Theo TTXVN

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu