SearchNews

Doanh nghiệp địa ốc vẫn thành công

15/05/2009 08:52

Sự thành công của hai sản phẩm bất động sản có giá bán cao nhất Hà Nội cho thấy, vẫn có “hướng đi riêng” cho doanh nghiệp trong lúc kinh tế suy thoái.

Sự thành công của hai sản phẩm bất động sản có giá bán cao nhất Hà Nội cho thấy, vẫn có “hướng đi riêng” cho doanh nghiệp trong lúc kinh tế suy thoái. 

Vào cuối năm ngoái, giữa lúc tâm lý khách hàng “nguội lạnh” sau những đợt bất động sản giảm giá triền miên và thị trường tài chính khó khăn, ít ai có thể tin rằng, những bất động sản có giá bán trên 3.000 USD/m2 có thể trụ được. Nhưng dự án Trung tâm thương mại Hanoi Plaza và Khu căn hộ Vincom Park Place cho thấy, doanh nghiệp vẫn có thể thành công trong khủng hoảng, nếu có chiến lược kinh doanh phù hợp và biết tìm ra thị trường “ngách” cho sản phẩm của mình.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thành công lớn

Cách đây gần một năm, khi nền kinh tế vẫn đang ở giữa tâm bão, thì Công ty IDJ Financial đã lặng lẽ tìm kiếm mua lại các dự án bất động sản. Sau nửa năm đàm phán, IDJ Financial đã đạt được thỏa thuận thuê lại toàn bộ Trung tâm thương mại Hanoi Plaza do Tập đoàn Charmvit đầu tư đang được xây dựng trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đồng thời, Công ty quyết định tiên phong áp dụng phương thức đầu tư mới là, cho phép nhà đầu tư thứ cấp mua lại quyền sở hữu gian hàng trong thời hạn 50 năm ++ với giá từ 4.000 - 7.000 USD/m2. Đây là bước đi mang đầy tính rủi ro vì trong lúc khủng hoảng, thị trường bán lẻ giảm sút và những sản phẩm xa xỉ có giá trị lớn rất khó tiêu thụ. Có không ít nghi ngờ về khả năng thành công của mô hình này.

Công ty cũng tỏ ra thận trọng và quyết định áp dụng phương thức cho nhà đầu tư thứ cấp cùng góp vốn, nghĩa là, nhà đầu tư chỉ cần có 200 triệu đồng là có thể góp vốn cùng với các nhà đầu tư khác mua lại một gian hàng để đầu tư hoặc kinh doanh.

Chiến lược kinh doanh đột phá và táo bạo đó đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Các nhà đầu tư thứ cấp đã hồ hởi đón nhận phương thức đầu tư mới, mà bằng chứng là phần lớn 20.000 m2 diện tích của Trung tâm thương mại Hanoi Plaza đã được họ đặt mua. Sau hơn 3 tháng đưa vào kinh doanh, Dự án chỉ còn lại 20 gian hàng nhỏ và một một nhà hàng là chưa bán được. Thậm chí, IDJ Financial cũng không cần áp dụng phương thức cho nhà đầu tư góp vốn 200 triệu đồng. Trên thị trường thứ cấp, giá chuyển nhượng các gian hàng tại Hanoi Plaza đã tăng tới 20% so với giá bán ban đầu.

Một dự án khác có giá bán thuộc hàng “đỉnh” ở Hà Nội là Vincom Park Place với giá bán công bố trung bình là 3.600 USD/m2. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, và khi rất nhiều các dự án bất động sản khác điêu đứng vì không bán được hàng, thì hầu như toàn bộ 200 căn hộ của Vincom Park Place đã được thuê hết.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi là sở hữu những vị trí “đắc địa” tại Hà Nội, thì tình hình kinh doanh của Hanoi Plaza và Vincom Park Place cho thấy, chiến lược bán hàng phù hợp và biết tìm ra thị trường ngách, không những có thể giúp doanh nghiệp bất động sản trụ vững mà còn có thể thành công giữa lúc khủng hoảng kinh tế.

Ông Richard Leech, Giám đốc của CB Richard Ellis, đơn vị tiếp thị Vincom Park Place, cho rằng, sở dĩ Dự án này bán được với giá cao giữa lúc thị trường bất động sản trầm lắng là do chủ đầu tư đã có chính sách ưu đãi hợp lý để kích cầu. Cụ thể, khách hàng thuê căn hộ của Dự án nếu có nhu cầu vay ngân hàng kể từ tháng 2/2009 thì chỉ phải trả lãi suất 3% năm và chủ đầu tư là Công ty PFV sẽ trả giúp phần còn lại.

PFV còn giúp khách thuê hạn chế gánh nặng thanh toán ban đầu khi quyết định điều chỉnh tiến độ thanh toán hợp đồng từ 5 đợt xuống còn 3 đợt, trong đó, 2 đợt đầu chỉ cần thanh toán 20% giá trị hợp đồng, phần còn lại chỉ phải thanh toán khi bàn giao nhà. Chính vì được hỗ trợ lãi suất và giá trị thanh toán hợp đồng ban đầu thấp hơn nhiều so với dự án khác (thường ở mức 70% giá trị hợp đồng trước khi giao nhà) nên Vincom Park Place đã tạo ra hấp lực như vậy với khách mua.

Không có chính sách ưu đãi giống PFV, nhưng IDJ Financial lại biết tìm ra thị trường “ngách” để thu hút khách hàng trong lúc khủng hoảng. IDJ Financial đã đưa ra thị trường sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, đó là sở hữu gian hàng trong một trung tâm thương mại cao cấp. Từ trước đến nay, nhà đầu tư không có cơ hội sở hữu gian hàng trong các trung tâm thương mại cao cấp, vì chủ đầu tư không bán. Nhưng tại Hanoi Plaza, nhà đầu tư thứ cấp có thể mua lại gian hàng và gian hàng đó có thể tự do chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác hoặc cho các nhà bán lẻ thuê lại để kiếm thu nhập bằng tiền thuê.

Điều quan trọng là IDJ Financial đã biết tạo kỳ vọng cho các nhà đầu tư vì theo ông Trần Trọng Hiếu, Tổng giám đốc IDJ Financial, Công ty đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và nhận thấy rằng, các sản phẩm bất động sản khác như nhà đất, văn phòng hay căn hộ không có sức hút lớn với nhà đầu tư trong lúc khủng hoảng.

Trong khi đó, cơ hội sở hữu gian hàng trong một trung tâm thương mại cao cấp rất hiếm, lại có thể giúp nhà đầu tư thu hồi vốn trong vòng 4 - 5 năm, hoặc có thể nhanh chóng mang lại cho nhà đầu tư khoản chênh lệch lớn khi tiến hành chuyển nhượng lại. “Lượng tiền dự trữ trong dân vẫn còn rất nhiều và luôn tìm kiếm kênh đầu tư. Điều quan trọng là phải tìm ra sản phẩm đầu tư hấp dẫn thì mới thu hút được dòng tiền đó và trung tâm thương mại là một sản phẩm như vậy”, ông Hiếu khẳng định.

(Theo Đầu Tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu