SearchNews

Dồn dập dự án địa ốc tại TP.HCM

16/01/2010 08:39

Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM đang được dồn dập khởi công, nhằm đón đầu cơ hội vào giữa năm 2010 và 2011.

Hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM đang được dồn dập khởi công, nhằm đón đầu cơ hội vào giữa năm 2010 và 2011.

Theo nhận định của các chủ đầu tư dự án địa ốc trên địa bàn TP.HCM, mặc dù còn nhiều khó khăn về giao dịch, nhưng hiện là thời điểm thích hợp để khởi công các dự án bất động sản.

Cụ thể, ngày 10/1/2010, Công ty Phát triển Bất động sản Đông Dương (IC Real) đã khởi công Dự án xây dựng cao ốc thương mại và văn phòng Royal Tower. Tọa lạc tại lô đất C17-1-1 (đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM), Dự án xây dựng cao ốc thương mại và văn phòng Royal Tower có tổng vốn đầu tư hơn 50 triệu USD, được xây dựng trên khu đất rộng 2.775 m2, bao gồm một cao ốc 21 tầng (diện tích sàn xây dựng hơn 41.000 m2). Dự án được chia làm hai khu vực là Khu trung tâm thương mại (4 tầng và 1 tầng lửng) và Khu văn phòng làm việc (17 tầng).

Ông Đinh Anh Tú, Phó tổng giám đốc điều hành IC Real cho biết, IC Real rất tự tin khởi công Dự án và kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, trong quy hoạch TP.HCM phát triển ra hướng Nam về phía biển theo xu hướng của các đô thị lớn trên thế giới, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, kỹ thuật cao và du lịch quốc tế hàng đầu ở Việt Nam.

Do đó, việc đầu tư Dự án xây dựng cao ốc thương mại và văn phòng Royal Tower của IC Real không chỉ góp phần hoàn thiện diện mạo cho khu trung tâm tài chính quốc tế, mà còn đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận công ty, cũng như đối tác kinh doanh muốn tìm một nơi tối ưu để đặt văn phòng làm việc.

Cũng trong ngày 10/1/2010, Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Phú Hưng Gia đã khởi công xây dựng Khu căn hộ cao cấp Saigon Pavillon. Dự án này tọa lạc tại vị trí đắc địa giáp với 3 mặt đường là Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM). Saigon Pavillon có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, chiều cao công trình 12 tầng (không bao gồm tầng hầm, tầng lửng và tầng kỹ thuật), với 87 căn hộ cao cấp được thiết kế theo tiêu chuẩn và phong cách kiến trúc Pháp. Trong đó, toàn bộ diện tích tầng trệt và tầng lửng được sử dụng cho những tiện ích công cộng như: siêu thị, nhà hàng, quán bar…

Bà Lê Thúy Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Phú Hưng Gia cho rằng, Saigon Pavillon là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên được áp dụng mô hình quản lý mới tại Việt Nam. Theo đó, cư dân trong Dự án không phải đóng phí quản lý, được sử dụng hồ bơi, bãi đậu xe hơi, phòng tập thể dục… miễn phí. Cũng theo bà Hương, khó khăn của thị trường địa ốc hiện chỉ là tạm thời, vì nhu cầu nhà ở của người dân Thành phố còn rất lớn.

Trước đó, hàng loạt dự án địa ốc khác cũng đã được khởi công như: Dự án cao ốc New Pearl 18 tầng do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang làm chủ đầu tư. Với mức giá chào bán dự kiến 4.000 - 4.800 USD/m2, ông Nguyễn Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang khẳng định, sẽ không có hàng để bán, vì Dự án có vị trí khá đắc địa giữa trung tâm TP.HCM.

Mới đây, Dự án Khu căn hộ Phú Gia Hưng với quy mô hơn 240 căn hộ tại phường 15 (quận Gò Vấp, TP.HCM) do Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh làm chủ đầu tư cũng đã được khởi công.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh nhận định: “Năm 2010 và các năm tới, dù nguồn cung sản phẩm nhà ở giá trung bình tại TP.HCM tăng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở thật sự từ thị trường. Đây chính là lý do khiến Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh tự tin khởi công hàng loạt dự án”.

Theo nhận định chung của các chủ đầu tư, dù nguồn cung trên thị trường bất động sản tại TP.HCM được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và những năm kế tiếp, nhưng so với nhu cầu thực tế, nguồn cung này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Hơn nữa, việc Bộ Tài chính cho phép nhà đầu tư lựa chọn phương án nộp thuế thu nhập từ kinh doanh bất động sản (2% trên tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng, hoặc 25%/phần lợi nhuận) được xem là yếu tố quan trọng gỡ nút thắt của thị trường trong thời gian qua.

(Theo VIR)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu