Điều khoản không rõ ràng, dân gánh chịu hậu quả
Dự án KCN Sông Mây được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Công ty Liên doanh Phát triển KCN Sông Mây đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 250 ha vào năm 1999.
Dự án này có đất nằm trên địa bàn xã Hố Nai 3, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) và xã Vĩnh Tân, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Nhưng khi cơ quan chức năng lập hồ sơ dự án trình UBND tỉnh, hồ sơ chỉ ghi là dự án nằm trên địa bàn Hố Nai 3 và xã Vĩnh Tân. Do vậy khi triển khai dự án, người dân hai xã Bắc Sơn và Tân An phản đối vì cho rằng hai xã này không có tên trong dự án. Hệ quả là phần đất trong dự án tổng thể của hai xã này bị “treo” với tổng diện tích hơn 43 ha. Riêng ở xã Bắc Sơn, khoảng 23 ha với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Khi được hỏi về khu đất “treo” nêu trên, ông Mã Văn Ra, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển KCN Sông Mây, cho biết: Đến nay còn 43 ha đất của giai đoạn 1 chưa bồi thường xong, trong đó xã Bắc Sơn có khoảng 23 ha. Năm 2004, Hội đồng Bồi thường huyện Trảng Bom đã hoàn thành việc đo đạc, kiểm kê tài sản của người dân và đã gửi hồ sơ lên Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai trình duyệt để thu hồi đất và bồi thường cho dân. Sau đó tỉnh yêu cầu dừng bồi thường, thanh tra việc sử dụng đất ở khu vực trên.
Đến năm 2011 việc thanh tra mới xong nên hội đồng bồi thường phải làm lại hồ sơ, phải tiến hành đo đạc, kiểm đếm lại. Sau đó tỉnh có văn bản yêu cầu hoàn thành công tác bồi thường trong năm 2013 nhưng khi họp dân, họ lại phản đối nên không thể tiến hành được. Giờ thì Luật Đất đai mới có hiệu lực, phát sinh nhiều vướng mắc nên công ty phải chờ chỉ đạo của tỉnh và chưa biết khi nào mới hoàn thành dự án.
Tính ra có hàng trăm hộ dân bị “treo” quyền lợi cùng với dự án dù KCN Sông Mây đã đi vào hoạt động hơn 15 năm qua và không biết đến bao giờ quyền lợi của họ mới được giải quyết.
|
Dính quy hoạch “treo” hơn 15 năm, người dân phải sống trong những
căn nhà tạm bợ vì không được xây cất. |
Hệ lụy từ dự án dù
Người dân dính vào KCN Sông Mây gặp đủ cái khổ và chưa biết đến bao giờ mới thoát cảnh ăn nhờ ở đậu. Không thể xây nhà, kéo điện, đăng ký kinh doanh, san nhượng đất, không được nhập hộ khẩu, tách hộ khẩu… là một thực trạng mà người dân huyện Trảng Bom đã và đang phải chịu. Thậm chí năm 2006, UBND tỉnh Đồng Nai mở rộng đường nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường…
Ông Hoàng Văn Chính, bộ đội phục viên, kể: Quê ông ở Nghệ An, ông gia nhập quân ngũ và hai lần bị thương, đơn vị cho xuất ngũ vào năm 1988. Thay vì về quê sinh sống, ông đã chọn xã Bắc Sơn để lập nghiệp. Sau đó ông về quê cắt hộ khẩu, đưa cả gia đình vào. Tuy nhiên, khi ra xã đăng ký hộ khẩu cho gia đình, ông mới biết là không thể đăng ký được vì khu đất ông sinh sống nằm trong khu quy hoạch.
Không có hộ khẩu nên dù có đầy đủ giấy tờ chứng nhận thương tật của đơn vị cấp, ông Chính vẫn không làm được hồ sơ để hưởng chế độ thương binh. Sợ con thất học, ông đến nhà một người quen đăng ký tạm trú cho con…
Ông Đỗ Đình Hoành - một lão nông kỳ cựu và gia đình ông có khoảng 12 ha đất trong khu quy hoạch nhưng vẫn sống trong cảnh khó nghèo. Đất của ông Hoành rất thích hợp cho việc trồng cà phê, cao su, tiêu, điều… nhưng các cơ quan chức năng chỉ cho ông trồng các loại cây ngắn ngày vì đất trong khu quy hoạch. Do khu đất không thích hợp cho các loại cây ngắn ngày nên ông tính đào ao, xây chuồng trại theo mô hình VAC. Nhưng khi máy xúc đến đào ao thì chính quyền liền lập biên bản, phạt vì đất nằm trong quy hoạch. Nản, ông bỏ hoang luôn khu đất!
Còn ông Nguyễn Anh Thỉa định mở doanh nghiệp chế biến tinh dầu tràm nên làm hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai và cơ quan này đã xuống thẩm định. Trong lúc chờ quyết định chính thức của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì ông Thỉa tiến hành xây dựng nhà xưởng và đầu tư máy móc. Thế nhưng vừa xây nhà xưởng xong thì đại diện chính quyền địa phương và KCN xuống kiểm kê, cưỡng chế không cho ông xây dựng. “Tôi có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp làm giàu cho tôi và cho xã hội mà không được. Trong khi đất lại bỏ hoang vì nằm trong quy hoạch “treo”, chẳng khác nào “mỡ treo miệng mèo”, tiếc quá!” - ông Thỉa nói.
Hàng xóm ông Thỉa than: Nhà nghèo, đi vay tiền cho con ăn học nhưng khi mang giấy tờ ra xã, họ không xác nhận vì đất dính quy hoạch. “Họ nhìn mình như tội phạm ấy. Với cái đà này thì dân sẽ rơi vào cảnh bần hàn hết… Có người khi có quy hoạch thì còn trẻ nhưng giờ sắp xuống lỗ rồi mà vẫn còn bị “treo”” - người này bức xúc.
Người dân sống của dự án "treo" luôn trong nỗi lo hiểm họa
Chị Vũ Thị Hường thì cho biết: Hai con trai đã lập gia đình và chị muốn chia đất cho con nhưng xã từ chối với lý do là đất nằm trong khu quy hoạch nên không làm được.
“Tôi xây “chui” hai căn nhà cấp 4 cho các con ra riêng và kéo nhờ điện của hàng xóm về xài. Ba, bốn gia đình xài chung một đồng hồ điện nên giá cao, điện lại yếu, dây điện mắc không đúng kỹ thuật, chằng chéo lên nhau nên rất nguy hiểm. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra do những đường điện này. Mới đây nhất là vào khoảng tháng 4 vừa rồi, ông Đ. ở ngã ba Trị An trong lúc vận chuyển gạo từ trên xe ô tô xuống đã bị vướng vào đường dây điện và bị giật chết. Năm 2013, đường dây điện trên cũng bị quá tải nên bốc cháy dữ dội, công an phải điều ba xe cứu hỏa xuống mới dập được. Trước đó không lâu cũng xảy ra một vụ chập điện gây thương tích cho một thợ hàn xì” - chị Hường kể.
Dự án vẫn tiếp tục được thực hiện:
Theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Đồng Nai, mới đây ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT, đã thông tin về dự án KCN Sông Mây cho chúng tôi.
Ông Thường cho biết dự án vẫn tiếp tục triển khai. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo đề xuất Bộ TN&MT xin điều chỉnh lại các địa danh trong dự án. Hiện Sở TN&MT đang chờ Sở Tư pháp thẩm định là xin điều chỉnh lại dự án hay đính chính lại quyết định của UBND tỉnh trước đây. Khi xong việc điều chỉnh hoặc đính chính dự án sẽ tiến hành thu hồi đất và bồi thường cho dân.
|