Vừa qua, mặt bằng giá đất tại khu Đông và khu Nam TPHCM đã nhanh chóng tăng vọt vì thông tin cho rằng lợi nhuận thu được từ chứng khoán đang đổ vào thị trường BĐS?
Trên thực tế thì dòng tiền này có chảy vào thị trường BĐS hay không vẫn chỉ là suy đoán chủ quan của một số người khi nhìn vào kịch bản của “cơn sốt giá” BĐS xảy ra hồi cuối năm 2007.
Tuy nhiên, những tin đồn thiếu căn cứ đó đang đẩy thị trường BĐS tăng giá cục bộ tại nhiều nơi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp thì thị trường chứng khoán mới chỉ khởi sắc nên dòng tiền chảy sang thị trường BĐS nếu có cũng chỉ ở dạng nhỏ giọt, chưa đủ sức kích cầu thị trường. Người dân cần tỉnh táo trước các chiêu “kích giá” của giới đầu cơ.
Tính tới thời điểm hiện nay, thị trường chứng khoán chỉ mới thật sự khởi sắc được hơn 1 tháng khi chỉ số VN-Index leo dốc từ mốc 351,32 điểm trong phiên giao dịch hôm 5-5-2009 lên 511,27 điểm trong phiên giao dịch ngày 11-6-2009. Đánh giá của nhiều chuyên viên tư vấn thì phần lớn lợi nhuận thu được từ việc chốt lời của các NĐT đã quay trở lại thị trường chứng khoán vì lợi nhuận từ thị trường này đang quá hấp dẫn. So với thời điểm cuối tháng 2-2009 (VN-Index xuống tới mức 235,5 điểm) thì nhiều mã cổ phiếu cho mức lợi nhuận đạt trên 100%.
Tuy nhiên, một số chuyên viên tư vấn đã cho rằng không có nhiều người đạt được mức lợi nhuận này. Bởi lẽ, khi chỉ số VN-Index xuống mức dưới 300 điểm thì chẳng ai dám tham gia thị trường. Phần đông những người chơi chứng khoán chỉ mới quay trở lại thị trường khi chứng kiến VN-Index tăng liên tục từ mốc 235,5 lên mức 347,7 điểm. Tuy đã có 2 lần điều chỉnh theo hướng giảm điểm sau khi VN-Index đạt mốc 511,27 điểm nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang chứng tỏ sức hấp dẫn của nó khi số người tham gia thị trường ngày càng nhiều.
Người ta đã ùn ùn đổ vốn vào thị trường chứng khoán vì điều kiện tham gia thị trường đã trở nên quá dễ dàng. Những mã cổ phiếu có mức tăng đều đặn 3-4% mỗi phiên giao dịch được nhiều NĐT chuyên nghiệp tìm mua với khối lượng dư mua lúc nào cũng áp đảo trên bảng điện tử, kéo theo nhiều mã cổ phiếu khác cũng tăng. Chẳng ai có thể ngờ được rằng một mã cổ phiếu của một công ty nhiều bê bối như Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết lại có thể tăng từ mức 4.000 đồng/cổ phiếu lên mức 9.000 đồng/cổ phiếu. Chính vì thế nên bắt đầu từ thời điểm VN-Index đạt 347,7 điểm, người ta đã đổ tiền vào chứng khoán theo kiểu phong trào “vơ bèo, vặt tép”, đẩy VN-Index chinh phục hết mốc này tới mốc khác.
Theo một chuyên viên tư vấn chứng khoán thì căn cứ vào biến động khối lượng giao dịch khớp lệnh và giá trị giao dịch khớp lệnh cũng có thể thấy thời điểm các NĐT xuống tiền chơi chứng khoán mạnh nhất là giữa tháng 3-2009 đến cuối tháng 5-2009. Nếu tổng kết khối lượng giao dịch khớp lệnh của tháng 3-2009 chỉ dừng ở con số khiêm tốn là 367.209.904 cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt 7.487 tỷ đồng thì vào cuối tháng 5-2009 đã tăng gấp 2,5 lần với khối lượng giao dịch đạt 936.205.490 cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt gần 24 nghìn tỷ đồng.
Điều đó cho thấy nếu NĐT nào “lướt sóng” có được lợi nhuận trong thời gian này thì cũng khó có thể đem lợi nhuận ấy “chôn” vốn vào thị trường BĐS. Việc VN-Index điều chỉnh giảm xuống trong những ngày vừa qua đã phản ánh lòng tin vào thị trường đang giảm xuống, đồng thời cũng cho thấy dòng tiền đổ vào chứng khoán không mạnh như “cơn sốt” chứng khoán năm 2007 nên khó có thể tạo ra một “cú hích” cho thị trường BĐS.
Thật vậy, trong khi thị trường chứng khoán đang khởi sắc thì thị trường BĐS vẫn chẳng có một tín hiệu nào cho thấy có sự khởi sắc về số lượng giao dịch. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đông - chuyên viên tư vấn của một công ty môi giới, tư vấn BĐS có tiếng tại Q2 - cho biết: “Thị trường vẫn chưa có nhiều giao dịch”. Theo ông Đông thì việc thị trường chứng khoán khởi sắc cũng đã có thể thu hút sự chú ý của giới đầu cơ trên thị trường BĐS. Bởi lẽ, nhiều người sau khi “cố sống cố chết ôm đất”, đến thời điểm này cũng đã thấy rệu rã nên sẽ tung đất ra bán, lấy tiền đầu tư vào chứng khoán - một kênh đầu tư cho lợi nhuận cao hơn ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, khi tung hàng ra bán thì buộc họ cũng phải tìm mọi cách tạo một “cơn sốt giá” giả để bán cho được giá và cái cớ để tạo ra một mặt bằng giá mới là vin vào sự cộng hưởng giữa dòng tiền từ nguồn vốn 23.000 tỷ đồng bồi thường dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và sự tăng điểm của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc bán ra lúc này cũng không phải là dễ vì người mua tại khu Đông hầu hết chỉ đầu tư vào những dự án có tính chất “chắc như ăn bắp”, trong khi đó tại khu Nam thì ngoại trừ khu Him Lam, số còn lại hầu như chỉ tăng giá ảo.
Cũng cùng quan điểm về việc phải cảnh giác trước những chiêu “thổi giá” của giới đầu cơ, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Phó tổng giám đốc ACBR - cũng cho biết, cho tới nay thì việc có hay không một dòng vốn từ thị trường chứng khoán chảy sang thị trường BĐS vẫn chưa rõ ràng. Muốn biết được chính xác thông tin này thì còn phải chờ kết quả kiểm tra từ phía Ngân hàng Nhà nước trong đợt kiểm tra hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất, tuân thủ chế độ ngoại hối và các giới hạn an toàn trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, song nếu có thì dòng vốn đó cũng rất nhỏ.
Trong khi đó, chuyên gia Võ Đình Quốc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land) - thì cho rằng có thể có một nguồn vốn từ thị trường chứng khoán chảy sang BĐS vì khi NĐT muốn đảm bảo an toàn về nguồn vốn đầu tư hoặc sợ bị động nếu không chia vốn đầu tư thì cũng có thể đầu tư vào BĐS, tương tự như họ đã làm ở các cơn sốt chứng khoán hồi cuối năm 2006 đầu năm 2007 nhằm chia sẻ rủi ro giữa các thị trường.
Thời gian qua, một số dự án mở bán khá thành công cũng đã tạo ra tâm lý để các nhà đầu tư BĐS nhận thấy có thể mức giá hiện nay đã tiệm cận với “đáy” của thị trường nên cũng có thể nhiều người đã quay trở lại với thị trường BĐS và họ rót tiền để đầu tư vào đất nền (vốn là sản phẩm có sự co giãn tốt hơn cả) khiến giá đất một số vị trí đắc địa tăng lên. Tuy nhiên, những NĐT có nhu cầu đầu tư vào đất nền dự án cũng nên chú ý vì đất nền dự án hiện nay đã bớt tính co giãn trước sức ép bắt buộc phải xây dựng nhà của chủ đầu tư - ông Quốc chia sẻ.
(Theo CA TPHCM)