Trong bối cảnh thị trường chưa mấy khởi sắc, các chủ đầu tư bất động sản đã phải sử dụng hết tất cả các “chiêu” chỉ với một mục đích duy nhất là thu hút khách hàng đến với dự án của mình.
Ngoài những “chiêu” cũ như chiết khấu, giảm giá, tặng nội thất... dường như không mấy hiệu quả trong bối cảnh lòng tin của khách hàng bị suy giảm, thị trường đang chứng kiến một cuộc đua “khoe” tiến độ dự án giữa các ông chủ dự án bất động sản.
Với tâm lý ăn chắc mặc bền của đa phần người dân Việt, các chủ đầu tư kỳ vọng rằng đó mới là “chiêu” maketing hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.
Trăm nghe không bằng...
Không riêng gì các chủ đầu tư bất động sản, khi quảng bá các sản phẩm của mình, doanh nghiệp nào cũng cho rằng “tôi là nhất” ở mọi góc độ. Từ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư, tiến độ xây dựng, giá bán... Nhưng kiểu quảng cáo đó dường như không mấy hiệu quả đối với khách hàng khi họ chỉ được đọc trên báo, thấy trên truyền hình hay các tờ rơi phát tại các sàn giao dịch.
Rốt cục là tốc độ bán hàng vẫn không được cải thiện nhiều, bởi từ vài năm trở lại đây, chuyện chậm tiến độ tại các dự án bất động sản dường như đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít dự án có tiếng tăm vẫn chậm tiến độ từ 5 - 10 tháng, như dự án Làng Việt Kiều châu Âu (Hà Đông), AZ Vân Canh... thậm chí như dự án Chelsea Park (Cầu Giấy) chậm tiến độ đến... 40 tháng.
Chính vì vậy, cũng không phải quá khó để các ông chủ của các dự án khác thấy rằng, chỉ có đẩy nhanh tiến độ thì mới mong lôi kéo được khách hàng đến với mình. Ban đầu chỉ là một vài dự án áp dụng phương thức này, tổ chức hẳn những chương trình rầm rộ mời hàng trăm khách hàng, giới truyền thông đến tận công trường để “mục sở thị” tiến độ của dự án.
Tập đoàn Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp đầu tiên “nghĩ” ra chiêu này. Khi đó, chủ đầu tư này đã “khoe” việc hoàn tất phần móng của dự án Mandarin Gadern (tại Trung Hòa – Nhân Chính) bằng một lễ ký triển khai phần thân hoành tráng với một nhà thầu có tiếng tăm là Coteccon.
Không những thế, doanh nghiệp này cho thuê luôn tầng 17 của tòa nhà Grand Plaza để đặt nhà mẫu với ngụ ý, khách hàng đến xem nhà mẫu thì sẽ bao quát được hết toàn bộ tiến độ của dự án.
Tiếp đến là Vihajico, mới đây doanh nghiệp này cũng “khoe” tiến độ bằng việc mời hàng nghìn khách hàng sang tận nơi để tham dự lễ cất nóc tòa tháp D khu căn hộ Rừng Cọ. Và theo như lời Tổng giám đốc Đào Ngọc Thanh, nhằm giữ cam kết với khách hàng, cứ khoảng 10 - 12 ngày, doanh nghiệp này hoàn tất phần thô của một tầng thuộc tòa nhà chung cư.
Còn trước đó, như để khoe với khách hàng, cứ cuối tuần, Vihajico lại tổ chức các đoàn xe đưa đón khách hàng sang khu đô thị Ecopark để xem tận mắt dự án mình đã đóng tiền được xây dựng đến đâu.
Và dường như thấy được hiệu quả của việc “thấy tận mắt, sờ tận tay”, một số chủ đầu tư khác như Indochina Land, Nam Cường, INT Group, Hòa Bình Group...cũng tiến hành tổ chức cho khách hàng tham quan tới tận công trường dự án. Tất cả đều thừa nhận, tốc độ bán hàng đã được cải thiện sau mỗi lần tham quan, dạo chơi của khách hàng.
Giám đốc INT Group Lê Đức Hải cho hay, việc cho khách hàng mục sở thị là một chiêu tiếp thị khá hiệu quả. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều đó, bởi điều kiện đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là chủ đầu tư phải có năng lực tài chính thực sự.
“Tôi được biết có rất nhiều chủ đầu tư cũng đã tính đến chiêu khoe tiến độ nhưng vì nguồn vốn có hạn, trong khi bán hàng lại khó khăn nên họ đành phải hủy bỏ không thực hiện được”, ông Hải nói.
Hơn nữa theo vị này, xem rồi, tin rồi nhưng khả năng thanh toán của khách hàng cũng là yếu tố quyết định đến tính thanh khoản của dự án. Bởi vậy, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, doanh nghiệp này còn phải lựa chọn phân khúc và sản phẩm phù hợp với túi tiền của các nhà đầu tư, khách hàng.
“Trong bối cảnh thị trường khá trầm lắng, hàng loạt các dự án như Melody Villas, The First Villas, Đồng Chanh Villas, Tophill Villas... của chúng tôi vẫn có tính thanh khoản tương đối tốt nhờ giá chào bán chỉ từ 1,8 - 3 triệu đồng/m2’, ông Hải cho hay.
Vẫn chờ giảm giá
Tiến độ dự án tác động không nhỏ đến hành vi xuống tiền của khách hàng, theo lời các chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có quyết định mua ngay sau khi khá tin vào tiến độ, phần đa khách hàng vẫn chung một câu trả lời “chờ xem đã”.
Theo lý giải của số đông khách hàng, trong bối cảnh thị trường khá trầm lắng, có rất nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ, áp dụng chiết khấu cao nhưng khách mua cũng không nhiều. Chính vì vậy, khi mà nguồn cung khá rủng rỉnh, một tâm lý chung của người đi mua là cứ “từ từ đã”, bởi đây là lúc họ có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết.
Thế nên, tại sự kiện “ngày hội nhà giá gốc” vừa qua, một sự kiện nghe khá “lạ tai” đối với những người đã từng phải đi tìm mua nhà từ trước đến nay, nhưng số lượng người ký hợp đồng mua nhà tại sự kiện này cũng không nhiều.
Điều đó được lý giải bởi tâm lý “ham rẻ” của số đông khách hàng. Sau khi hàng loạt dự án chung cư công bố chiết khấu, giảm giá, khách hàng vẫn tin rằng, giá căn hộ sẽ còn giảm nữa, nếu mua ngay sẽ bị hớ.
“Tôi mua một căn chung cư ở Ecopark hồi năm ngoái giá 20 triệu/m2, nay sang tham quan mới thấy đơn vị bán hàng giới thiệu giá chỉ còn từ 18 triệu/m2, bỗng nhiên mất hơn trăm triệu đồng, đó là chưa tính đến việc tiền trượt giá”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Cũng theo nhà đầu tư này, sau khi thấy báo đài phản ánh đất ở Mê Linh giảm từ 3 -5 triệu đồng/m2, chị cũng đã định xuống tiền đầu tư nhưng sau đó lại ngập ngừng vì cho rằng giá sẽ còn giảm nữa.
Lý giải với báo chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Bình Group Nguyễn Hữu Đường cho hay, giảm giá bán là một việc bất đắc dĩ mà chủ đầu tư phải làm, song do khó khăn của thị trường thì bắt buộc chủ đầu tư phải cắt giảm lợi nhuận, đầu tư theo kiểu lấy công làm lãi.
Tuy nhiên, đổi lại tốc độ bán hàng sẽ được cải thiện, và quan trọng hơn, thị trường khó khăn sẽ là cơ hội cho các chủ đầu tư có năng lực thực sự thể hiện mình, bởi những doanh nghiệp đầu tư theo kiểu “tay không bắt giặc” chắc chắn sẽ không đủ điều kiện để thực hiện những chiêu hút khách như trên, thậm chí là khó có cơ hội tồn tại trong một thị trường được cho là không còn thuộc về người bán như vài ba năm về trước.
(Theo vneconomy)