Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Thăng Long, có ít nhất 6 lý do khiến cho cơn sốt giá đất năm 2016 sẽ tiếp diễn vào năm 2017.
Lý do thứ nhất, theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, nguồn lực khổng lồ của xã hội được đưa vào đầu tư hạ tầng tính bằng đơn vị chục tỷ USD trở lên tại Tp.HCM và Hà Nội trong 1 - 2 năm qua sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, tạo cú hích lớn kích giá đất tăng theo cầu, đường, đại lộ mới, vành đai, cao tốc, metro...
Hơn nữa, 2 năm qua, loại hình nhà chung cư đã khuấy động thị trường Tp.HCM và Hà Nội. Trong đó, năm 2015 là năm của căn hộ cao cấp, năm 2016 là năm của căn hộ trung cấp. Do vậy, theo dự báo, nhiều khả năng năm 2017 điểm nhấn sẽ chuyển sang chung cư giá rẻ. Hàng loạt dự án căn hộ mọc lên góp phần chỉnh trang đô thị, tăng mật độ dân cư nội khu lên đáng kể. Đây được cho là tác nhân kích giá đất quanh các khu dân cư mới này tăng lên. Giá đất quanh các tòa chung cư mới mọc lên theo đó có thể tăng với tỷ lệ trên 20% mỗi năm. Tốc độ tăng này được dự báo trên cơ sở khu vực có mật độ dân số tăng lên thì giá đất cũng leo thang theo.
Giá đất được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm 2017 (Ảnh: Vũ Lê)
Mặt khác, "khẩu vị" đầu tư BĐS hiện đang có những thay đổi rất lớn. Căn hộ chung cư trung - cao cấp đã chiếm lĩnh trong 3 năm, đang có dấu hiệu bão hòa nên khả năng giới buôn địa ốc dịch chuyển sang kênh đầu tư đất là rất lớn. Sự dịch chuyển này được đánh giá là yếu tố quan trọng đẩy giá đất đi lên khi cùng lúc xuất hiện nhiều "thợ săn" trên một địa bàn.
Thêm vào đó, các đại gia BĐS tại Tp.HCM và Hà Nội hiện đang tăng tốc thực hiện chiến dịch săn, gom, thâu tóm quỹ đất bằng nhiều hình thức để chuẩn bị cho những kế hoạch phát triển sản phẩm mới. Cuộc đua săn lùng quỹ đất của các "ông lớn" này đã kích giá đất tăng mạnh trong năm 2016. Thực tế này chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm 2017.
Một lý do có thể đẩy giá BĐS tăng lên trong năm 2017 là quan điểm cho rằng đất đai là tài nguyên sẽ khan hiếm theo thời gian, quỹ đất không tăng lên, có thể tạo hiệu ứng tích cực trong giới đầu tư BĐS gắn với đất.
Tâm lý phải có tấc đất cắm dùi trong người Việt khá nặng nề. luôn âm ỉ, chỉ chờ dịp thổi bùng lên mạnh mẽ khi điều kiện tài chính cho phép. Tư duy "ăn chắc mặc bền", tích lũy tài sản kiểu truyền thống thực tế đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của thị trường BĐS.