SearchNews

Giải pháp tạo vốn cho quỹ tiết kiệm nhà ở

15/03/2012 11:23

Còn hai tuần nữa Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở (TKNO). Đề án lần này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các chương trình phát triển nhà ở xã hội đang triển khai. Để Đề án có tính khả thi thì việc tạo vốn cho quỹ TKNO có vai trò hết sức quan trọng.

Cân nhắc đối tượng góp quỹ

Theo Bộ Xây dựng, tại các đô thị trên cả nước hiện có khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội (NOXH). Đáp ứng quỹ nhà ở cho các đối tượng này cần phải xây khoảng 150 triệu m2 sàn, tương ứng với vốn đầu tư từ 300 - 400 nghìn tỉ đồng.

Cách đây 2 năm, khi hình thành ý tưởng thành lập quỹ TKNO của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã từng lạc quan: Với khoảng 9 triệu người làm công ăn lương, nếu cùng đóng góp khoảng 5 – 7% lương tháng của mỗi người vào quỹ TKNO thì nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội (NOXH), mỗi năm sẽ có hàng trăm nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, đề xuất trên khi đưa ra thảo luận với các bộ, ngành không được đồng tình vì lại yêu cầu cả người không có nhu cầu về nhà ở cũng phải góp quỹ”.

Không đồng tình với việc “người giàu” không đồng ý góp quỹ, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc thành lập quỹ TKNO phải xác định đây là vấn đề an sinh xã hội. “Hiện nay, chi phí để xây nhà ở xã hội rất lớn, nếu để toàn người nghèo tiết kiệm thì nguồn tiền sẽ khó khăn”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Trước ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh lại đề án với nội dung: “Chỉ những người có nhu cầu về nhà ở mới là đối tượng góp quỹ” để nhận được đồng thuận.

Nhiều giải pháp tạo vốn cho quỹ

Bình luận về đối tượng và nguồn vốn cho quỹ TKNO, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, không cần “ép” người giàu hảo tâm mà nên dùng chính sách của Nhà nước để điều tiết và tạo nguồn vốn cho quỹ để đảm bảo công bằng xã hội.

Chẳng hạn, có thể điều tiết từ các nguồn thu nhà, đất. Trong đó, nên đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất ở vượt hạn mức, đất đô thị, kho bãi, đất công sản không sử dụng đối với những người đang ở nhà với diện tích hàng trăm m2/người, có nhiều bất động sản như: Biệt thự, nhà liền kề... việc đánh thuế vào các đối tượng đó để tạo sự công bằng xã hội, để tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả hơn. Theo tính toán của các chuyên gia bất động sản, nguồn thu thuế này có thể lên đến hàng tỉ USD/năm.

Thứ hai, để quỹ TKNO khả thi trong điều kiện của nước ta, Chính phủ cần “trao” cho quỹ các cơ chế, chính sách thoáng và mạnh dạn để chủ động tạo vốn. Ví như tạo vốn từ phát hành xổ số, trái phiếu nhà ở quốc gia, vay vốn ODA…

Thứ ba, về phía chính quyền địa phương, thông qua “Trung tâm phát triển quỹ đất” phải tạo ra những quỹ đất sạch, có hạ tầng đồng bộ. Các chủ đầu tư sẽ đấu giá đất để lấy tiền phát triển đô thị và tạo điều kiện cho quỹ TKNO triển khai NOXH. Do tiền thu được từ đấu giá đất đã có hạ tầng sẽ rất lớn nên phần điều tiết cho quỹ TKNO sẽ đáng kể; hai là có mặt bằng đất sạch (chi phí thấp) cho phát triển NOXH.

Thứ tư, về phát triển NOXH Chính phủ nên giao cho một tập đoàn xây dựng của Nhà nước chịu trách nhiệm triển khai. Tập đoàn này phải áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến nhất để có giá thành nhà ở rẻ nhất. Bằng mọi cách phải tạo ra giá thành NOXH ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh chỉ ngang bằng với Đà Nẵng, Huế (từ 5 – 6 triệu đồng/m2).

Nếu triển khai tốt các vấn đề nêu trên mới khuyến khích người có nhu cầu tích cực tham gia góp quỹ. Nhưng TS Liêm cho rằng, cần rút kinh nghiệm triển khai các chương trình phát triển NOXH hiện nay. Đó là khi vốn cho các chương trình NOXH bị phụ thuộc thì khi có biến động là các chương trình bị án binh bất động. Ví dụ như chương trình nhà ở sinh viên sẽ bị chậm triển khai khi vốn Trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn. Hoặc chương trình xây nhà ở cho người thu nhập thấp, cũng gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải vay vốn thương mại làm giá thành tăng cao quá khả năng của người có nhu cầu.

(Theo Báo tin tức)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu