Phối hợp chặt chẽ gói 4 nhà sẽ tạo ra nhiều giá trị có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay khi mà tồn kho BĐS vẫn đang tăng vọt.
Tồn kho bất động sản vẫn đang khiến hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, và nó cũng trở thành gánh nặng cho nhiều đơn vị tư vấn, phân phối bất động sản.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến 31/3/2013 lượng tồn kho căn hộ cả nước đã tăng vọt lên 20% so với cuối năm ngoái (ước tính số căn hộ tồn kho khoảng 33.000 căn), số lượng nền đất tồn kho chưa bán được cũng tăng 1%, mặc dù 1% là con số nhỏ nhưng tính về số lượng thì lại lên đến khoảng 1 triệu m2. Tổng giá trị còn đang “chìm” trong bất động sản lên đến gần 120.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, những con số này mới chỉ phản ánh đến số lượng và giá trị hàng bất động sản đã hoàn thành.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết quý I/2013, giá trị hàng tồn kho của nhóm các doanh nghiệp bất động sản niêm yết vào khoảng 80.000 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2012. Hàng tồn kho của nhóm này chiếm tới 39% tổng giá trị hàng tồn kho toàn thị trường, trong khi vốn chủ sở hữu của nhóm này chỉ chiếm 20%. Trong khi đó, kết quả kinh doanh vẫn bi đát, doanh thu chưa có dấu hiệu cải thiện, doanh thu nhóm ngành BĐS chỉ đạt 6000 tỷ bằng một nửa so với quý 4/2012.
Trước thực trạng trên, để giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu Chính phủ đã cho ban hành chính sách bơm 30.000 tỷ qua tái cấp vốn để hỗ trợ, thúc đẩy nguồn cầu ở nhóm phân khúc nhà ở bình dân. Đối với nhóm BĐS thương mại trung và cao cấp cho rà soát, dừng triển khai, chuyển đổi cơ cấu diện tích, công năng của dự án,…
Ngoài biện pháp trên, nhiều chuyên gia trong ngành đã đề cập đến việc liên kết, liên minh trong chuỗi “4 nhà” tham gia sâu vào lĩnh vực này. Trong đó, có đề xuất của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) và Tập đoàn Thiên Thanh rất đáng chú ý.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, đây được xem là Nghị quyết có tính xuyên suốt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó chủ yếu là ở lĩnh vực BĐS.
Tại Hội nghị “Nghị quyết 02/NQ-CP ý nghĩa và tính thiết thực “ vừa được tổ chức tại Tp.HCM, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Vnrea cho rằng, cần đưa mô hình liên kết ngân hàng, định chế tài chính với doanh nghiệp vào thực tiễn.
Theo ông Mai, khi phối hợp chặt chẽ gói 4 nhà sẽ tạo ra nhiều giá trị có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay. Các Ngân hàng tại TT 11/2013/TT-NHNN cần sự phối hợp của các ngân hàng khác trong việc đồng tài trợ, dịch vụ bảo lãnh dự thầu, bào lãnh thanh toán cho “Người bán”, đặc biệt các Ngân hàng có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong lĩnh vực nhà ở, VLXD….
Tăng thêm nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại vì thế tăng thêm số lượng sản phẩm nhà ở phù hợp cho thị trường, nhà tổ chức cung ứng VLXD sẽ giảm được chi phí đầu vào do cung ứng số lượng lớn đồng thời các nhà sản xuất VLXD sẽ giải phóng được hàng tồn. Trong trường hợp là nhà thương mại chuyển đổi về NO dưới 15 trđ/m2 x căn hộ dưới 70m2, việc giảm chi phí đầu vào sẽ làm tăng số lượng dự án tham gia gói hỗ trợ.
Tập đoàn Thiên Thanh cũng đưa ra cơ chế vận hành của chuỗi “4 nhà”: Nhà sản xuất/phân phối (1) cung cấp hàng hóa đến người mua là nhà thầu/Nhà đầu tư (2) thông qua Nhà tổ chức cung ứng (3) VLXD, có sự tham gia bảo lãnh thanh toán và/hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng hoặc cho vay tái sản xuất kinh doanh của Ngân hàng (4).
Theo đại diện của Tập đoàn Thiên Thanh, gói liên kết này sẽ đem lại nhiều lợi ích, đối với nhà thầu/nhà đầu tư thì được hưởng chính sách giá cạnh tranh hơn; Đối với nhà phân phối có kế hoạch kinh doanh ổn định, tạo công ăn việc làm ổn định; Đối với Ngân hàng thì tăng được tín dụng; Đối với nhà tổ chức cung ứng thì có thể được hưởng chiết khấu cao do gộp được doanh số chung của nhiều đơn vị.
Theo TTVN