Nhiều vướng mắc về giao đất dịch vụ cần tháo gỡ
Báo cáo của UBND huyện Mê Linh cho thấy, khi hợp nhất vào TP.Hà Nội, phần lớn các hộ dân đã được huyện trả ĐDV bằng tiền. Tính đến thời điểm này, diện tích ĐDV còn lại của huyện Mê Linh phải trả cho các hộ dân khoảng 21 ha và ĐDV hưởng theo khẩu 9 ha. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, đối với quỹ ĐDV để trả cho các hộ dân còn thiếu, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý chủ trương cho UBND huyện dùng đất thương phẩm còn lại của các dự án để thực hiện giao ĐDV cho dân. Tuy nhiên, đến nay, các chủ đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng để bàn giao cho huyện.
|
Các hộ dân nằm trong diện GPMB phục vụ dự án xây dựng Khu trung tâm Hành chính huyện Mê Linh hiện vẫn chưa được nhận đất dịch vụ. |
Theo thống kê của quận Hà Đông, hiện trên địa bàn có 13/17 phường được áp dụng chính sách giao ĐDV (đất ở) cho hơn 22.000 hộ dân với tổng nhu cầu hơn 247 ha đất. Quận đang tập trung GPMB khu ĐDV hơn 7 ha thuộc phường Kiến Hưng và 3 khu (13,9 ha) thuộc phường Phú Lương. Để đẩy nhanh tiến độ giao ĐDV cho các hộ dân theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng kiến nghị TP cho áp dụng chính sách đặc thù khi thu hồi đất thực hiện dự án ĐDV hơn 3 ha trên địa bàn phường Phú Lương. Tại dự án Trạm Y tế phường Phú La, quận đã giao đất cho 4 trường hợp có thu tiền (mỗi hộ được nhận thêm khoảng 5m2 đất so với diện tích được giao), do đó, cho phép quận được giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 36 trường hợp tương tự còn lại.
Ngoài ra, lãnh đạo quận Hà Đông cũng kiến nghị TP chỉ đạo Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng dự án Điểm Công nghiệp làng nghề Đa Sỹ (phường Kiến Hưng); khẩn trương thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu 3,1 ha ĐDV đã quy hoạch trong dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo quỹ ĐDV để giao cho dân. Đối với những khu vực đã cơ bản hoàn thành việc giao ĐDV (đất ở) nhưng còn thừa quỹ đất (hơn 2.000 lô đất còn thừa năm 2014), đề nghị TP cho phép quận rà soát để bố trí làm quỹ đất tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính ổn định, thống nhất trong thực hiện chính sách giao ĐDV cho dân, quận Hà Đông vận dụng quy định của luật để thực hiện giao ĐDV, cấp sổ đỏ (chính sách giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất lâu dài).
Tiến độ giao đất dịch vụ cần thanh tra, đẩy nhanh
Liên quan đến các dự án trên địa bàn huyện Mê Linh chưa thực hiện xong công tác bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng để bàn giao cho huyện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh đề nghị, nếu quỹ đất phải GPMB còn lại ít, huyện có thể tổ chức cưỡng chế theo quyết định phê duyệt, tuy nhiên, hồ sơ phải làm chặt. Đối với các hộ dân chưa chịu nhận ĐDV, có thể căn cứ theo đơn của dân, giao cho thanh tra xử lý. Đối với các khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, Sở TN&MT Hà Nội có trách nhiệm mời Bộ TN&MT cùng tham gia tháo gỡ. Về việc xây dựng hạ tầng các khu ĐDV, nếu huyện có tiền thì có thể ứng ra, đồng thời ứng thêm tiền thu trước của dân để thực hiện.
Về vấn đề liên quan đến 36 trường hợp ở phường Phú La, quận Hà Đông được nhận đất dôi dư hơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu quận phải thu thêm tiền của các hộ dân theo giá đất ở sát với giá thị trường. Trường hợp nếu giao đất cho dân bị thiếu, quận phải bù lại tiền cho dân. ĐDV có thời hạn 50 năm, nếu chuyển mục đích sang đất ở, phải nộp thêm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với quỹ đất còn thừa, quận có thể bố trí tái định cư hoặc đấu giá. Về trường hợp Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội chậm đầu tư hạ tầng dự án, TP giao Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ lý do, nếu phức tạp có thể thanh tra khu đất. Nếu chủ đầu tư vi phạm luật, Sở TN&MT làm kiến nghị TP thu hồi đất theo quy định.