Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý ngành xây dựng nói chung và thị trường BĐS nói riêng liên tục đề xuất, ban bố nhiều chế tài giám sát, kiểm tra gắt gao đối với các hoạt động liên quan. Từ xây dựng tạm, quỹ đất cho NƠXH, phá dỡ biệt thự cũ, tới xử phạt vi phạm trong thi công, triển khai dự án đầu tư… đều được “phủ sóng” trong hành lang pháp lý. Hiệu quả chưa biết tới đâu, nhưng theo giới bình luận, vẫn còn không ít “sạn” trong nội dung quy định, đề nghị.
Quỹ đất cho NƠXH
Vài tháng sau khi Dự thảo lần 4 Luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ do Bộ Xây dựng công bố, quy định quy hoạch quỹ đất và các thông tin về khu vực, địa điểm dành để phát triển NƠXH phải được công khai trên website của UBND cấp tỉnh và tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, Bộ Xây dựng đã thực tế kiểm tra việc dành quỹ đất 20% tại 12 dự án đô thị để xây dựng NƠXH trên địa bàn Hà Nội. Kết quả, trong số các dự án bắt buộc phải dành quỹ đất để xây NƠXH, chỉ có 3 dự án triển khai xây NƠXH; 3 dự án chuyển đổi sang xây dựng nhà tái định cư, còn lại, DN vẫn “phớt” quy định này ngay cả khi mọi thông tin đã rõ ràng từ phía cơ quan chức năng.
Liên quan tới căn bệnh “mỏng, méo” ở Thủ đô, cuối tháng 4/2014, đáp lại dư luận hồ nghi về chuyện cơ quan quản lý cho phép xây dựng nhà tạm 4m2 trên tuyến đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàn Cầu, Q. Đống Đa), lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định bác bỏ tin đồn. Đồng thời, Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội cũng nhận định đây chỉ là… đề xuất của một viện nghiên cứu quy hoạch (thuộc Sở) và chưa có văn bản chính thức. Tuy vậy, thực tế tuyến đường “đắt nhất hành tinh” vẫn xuất hiện lác đác vài công trình diện tích nhỏ hơn 4m2 (!). Đáng nói hơn, trả lời về nhiều trường hợp báo chí phản ánh tình trạng cùng diện tích dưới 15m2, nhưng lại bị “phân biệt đối xử” (thu hồi hoặc giữ nguyên trạng), đại diện Sở Quy hoạch & Kiến trúc viện dẫn Quyết định 264/QĐ-QHKT với nội dung: quy định tạm thời để… chờ quy hoạch chi tiết tuyến phố 2 bên đường Ô Chợ Dừa – Hoàn Cầu.
Như vậy, đề xuất của một viện nghiên cứu (theo giải thích của Sở QHKT Hà Nội) đã trở thành quyết định rõ ràng và hiệu lực pháp lý. Và đương nhiên, những căn nhà “siêu mỏng” vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong khi chờ đợi quy hoạch chi tiết “chưa hẹn ngày về”.
Xử phạt nặng gấp đôi
Đó là đường hướng trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng sắp được Tp.Hà Nội cân nhắc trong tháng 7/2014. Cụ thể, cuối tháng 6/2014, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Hà Nội nâng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng lên gấp 2 lần (quy định của Chính phủ) đối với các hành vi được chia làm 4 nhóm: vi phạm về điều kiện khởi công xây dựng; vi phạm xây dựng không phép, sai phép; thi công không đảm bảo môi trường; không ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm.
Nhằm tăng hiệu quả thực thi pháp luật xây dựng ở 12 quận nội thành theo quy định mới của Luật Thủ đô, quy định về mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm cụ thể như sau. Về chủ đầu tư: nếu khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện bị phạt từ 30 – 40 triệu; trong đó, phạt từ 20 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; phạt 80 – 100 triệu với hành vi xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt, hoặc sai quy hoạch xây dựng; đồng thời, phạt tới 80 triệu đồng đối với hành vi để nhà thầu thi công sai thiết kế được duyệt. Mức phạt cao nhất 120 triệu được áp dụng với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai thiết kế đã được duyệt, sai quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, hoặc sai tiêu chuẩn được quy định áp dụng.
Gắt gao nhất, mức phạt dành cho hành vi tái phạm của chủ đầu tư sau khi có biên bản vi phạm hành chính của cơ quan thẩm quyền: tùy theo mức độ, quy mô vi phạm sẽ bị phạt từ 1 – 2 tỷ đồng. Khung xử lý này cũng được áp dụng cho trường hợp nhà thầu tiếp tục thi công xây dựng công trình sau khi đã bị người có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công.
Đối chiếu vào tình hình nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở liên tiếp “tiền trảm hậu tấu”, xây vượt tầng rồi chịu phạt, dư luận đang trông chờ vào hiệu quả đến từ mức phạt hành chính này đối với giới tạo lập BĐS Thủ đô. Điển hình, trường hợp dự án 17 tầng do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư (tại Yên Hòa, Q.Cầu Giấy) minh chứng cho khả năng bất chấp luật pháp. Sau rất nhiều lần bị cơ quan chức năng ra quyết định tạm dừng thi công, cắt điện nước từ năm 2011 đến nay, công trình hỗn hợp vẫn âm thầm thành hình. Thậm chí, DN này còn “mạnh dạn” xin phép tăng số tầng xây dựng công trình từ 17 lên… 27 tầng và khẳng định vài tháng nữa là có GPXD, dù còn đó rất nhiều dấu hỏi về về khả năng chống chịu lực của công trình, cũng như năng lực pháp lý của chủ đầu tư.
Trước đó, thông tư 02 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ 2/4/2014) cũng gián tiếp “hợp thức hóa” những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại nhiều địa bàn như Từ Liêm, Hoàng Mai… Rõ ràng, tình hình chấp pháp của DN xây dựng vẫn chưa thể giải quyết một sớm một chiều bằng các chế tài nặng tính “hành chính”.
Theo TBKD