Thời gian qua, thị trường bất động sản rộ lên nhiều vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ chung cư, trong đó, người mua thường chịu thiệt thòi. Đây là hậu quả của thời kỳ bất động sản phát triển nóng, khi người mua kẻ bán chỉ chạy đua với việc chuyển nhượng nhằm kiếm lời mà không hề quan tâm đến giá trị thực, chất lượng của căn hộ.
Nay, khi bất động sản đóng băng kéo dài, để bán được hàng, các chủ đầu tư dự án buộc phải quan tâm nhiều hơn đến việc giữ chữ tín, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Chú trọng tiến độ và chất lượng
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa được “phá băng”, vẫn có những dự án cao cấp được khách hàng quan tâm. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh sàn giao dịch bất động sản G5, gần đây, lượng khách hàng tìm hiểu dự án thuộc phân khúc cao cấp tăng lên đáng kể. Riêng với dự án Discovery Complex, trong vòng một tháng gần đây, chủ đầu tư đã ký được gần 50 hợp đồng.
Anh Trần Xuân Minh vừa mua căn hộ tại chung cư cao cấp Hyundai Hillstate (quận Hà Đông, Hà Nội) với giá 25 triệu đồng/m2, cho biết, giá cả không phải vấn đề số một mà anh quan tâm. “Thiết kế căn hộ hợp lý và tiến độ xây dựng dự án này đúng như cam kết. Đây là lý do khiến tôi quyết định mua căn hộ ở đây”, anh Minh chia sẻ.
Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tranh chấp trên thị trường bất động sản như vụ khách hàng kiện chủ đầu tư vì công trình chậm tiến độ tại dự án Tricon Tower (khu đô thị Bắc An Khánh, Hà Nội), Usilk City (Hà Đông, Hà Nội); vụ khách hàng bỏ tiền tỷ mua căn hộ tại chung cư 83 Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà không biết dự án này chưa được cấp phép… Thực tế cho thấy, các tranh chấp phần nhiều xuất phát từ việc khách hàng và chủ đầu tư chỉ kí kết mua nhà trên giấy, mà chưa quan tâm đến tiến độ dự án trong thực tế.
GS Ðặng Hùng Võ phân tích, nguyên nhân phát sinh các tranh chấp là do thị trường bất động sản phát triển quá nóng trong thời gian qua, mang lại lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn. Một bộ phận chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng chưa chuyên nghiệp trong giao dịch bất động sản, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt. Hợp đồng mua bán hầu hết mang tính áp đặt do chủ đầu tư đơn phương đưa ra, thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Chữ “tín” quyết định thành công
Thực tế, cuộc đua giảm giá bán căn hộ gần đây không còn phổ biến, thay vào đó, các chủ dự án đang định vị lại thị trường, chuyển hướng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, tiến độ thi công. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn sẵn sàng chịu phạt nếu sai cam kết về tiến độ, chất lượng. Các chuyên gia đánh giá, đây là sự chuyển hướng đúng đắn để lấy lại lòng tin của khách hàng.
“Niềm tin chỉ được xây dựng bằng hành động cụ thể. Các doanh nghiệp phải giữ lời mới gây dựng lại được niềm tin của người dân. Tiền trong xã hội vẫn còn nhưng họ không vào thị trường do chưa lấy lại được niềm tin”, TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết.
Khi thị trường đóng băng, các chủ đầu tư cũng tự rút ra bài học: Đa phần khách hàng hiện nay mua nhà để ở, thay vì đầu cơ. Do đó, những giá trị tiện ích thực sự phục vụ cho cuộc sống sẽ được khách hàng quan tâm hơn cả. Nói cách khác, người mua hiện nay chỉ chọn những dự án mà họ được hưởng lợi từ vị trí, dịch vụ, cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường và chất lượng sống văn minh. Vì thế, chủ đầu tư phải khẳng định tên tuổi của mình và thu hút người mua bằng chính chất lượng của sản phẩm, chứ không phải chạy theo những cú giảm giá “sốc” trên thị trường.
Để tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) của Bộ Xây dựng có những quy định mới như: Tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh bất động sản phải có số vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng. Cùng đó, chứng chỉ về môi giới, định giá bất động sản sẽ được cấp chặt chẽ hơn, do cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ sát hạch để các dịch vụ này ngày càng chuyên nghiệp… Những quy định này nhằm nâng cao năng lực tối thiểu của các chủ đầu tư, hạn chế những rủi ro cho người mua nhà.
Theo baotintuc