Nhiều người vội rao bán cắt lỗ
Trước khi bị siết nguồn vốn từ ngân hàng, các chủ đầu tư hiện đang đua nhau mở bán dự án ra thị trường. Trong khi đó, người mua lại tỏ ra lo lắng.
Đang có kế hoạch mua căn hộ trong năm nay, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, quận Ba Đình, Hà Nội than thở, hai vợ chồng đang tính vay thêm tiền ngân hàng mua nhà, mất nhiều thời gian mới được dự án ưng ý. Tuy nhiên, hiện việc vay ngân hàng đang khó khăn nên vợ chồng anh sẽ cân nhắc lại.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm, các ngân hàng sẽ quản lý chặt chẽ hơn các đối tượng vay vốn. Theo đó, không phải dự án nào cũng được giải ngân. Ngoài hạn chế cho vay, các ngân hàng cũng sẽ áp dụng lãi suất cao. Điều này khiến vợ chồng anh sẽ gặp khó khăn lớn.
Theo anh Tuấn, giải pháp cuối cùng vợ chồng anh Tuấn là đi vay lãi của người nhà, trả họ lãi suất bằng với lãi suất huy động tại các ngân hàng.
Người mua gặp nhiều bất lợi khi tín dụng cho BĐS bị siết
Anh Thành, một người đang rao bán cắt lỗ căn hộ ở Hà Đông cho biết, anh hiện đang đi vay ngân hàng để mua nhà. Trước thông tin siết chặt nguồn vay, lo ngại sẽ gặp tình trạng như năm 2011, anh Thành đã phải vay vốn với giá “cắt cổ” lên tới vài chục phần trăm. Trong khi đó, giá nhà đất giảm nên vệc bán cũng gặp khó. Anh thực hiện đăng tin rao trên mạng, nhờ người quen tìm khách nhưng 2 tháng nay vẫn chưa tìm được.
Bởi lo ngại lãi suất sẽ tăng cao, nhiều khách hàng đang vay mua nhà rất bất an. Đa số các hợp đồng vay thương mại đều không cố định lãi suất, vì vậy khi lãi suất biến động tăng lên, người vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Thị trường BĐS hiện đã xuất hiện nhiều dự án chung cư cao cấp bán cắt lỗ. Tuy nhiên, việc bán cũng không phải dễ dàng.
Chị Nguyễn Thu Hải (Bắc Giang) cho biết, gia đình chị hiện có khoảng 500 triệu đồng, dự định vay thêm để mua căn hộ giá rẻ với giá 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi gói vay 30.000 tỷ đồng đã kết thúc, chị Hải đang chờ đợi gói vay mới, nếu không sẽ khó có thể “mơ” mua được một căn hộ tại Hà Nội.
Thị trường có khả năng sẽ phát triển chậm lại
Ông Phạm Đức Toản, giám đốc một DN BĐS đánh giá, đa số khách hàng của phân khúc căn hộ trung và cao cấp đi vay để mua. Trong khi đó, giá trị BĐS trung cao cấp lại lớn nên lượng vay rất nhiều. Nguồn cung dự án phân khúc này gần đây lại khá lớn. Do đó, việc siết tín dụng vào BĐS chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường. Như vậy, mọi thiệt hại sẽ rơi vào khách hàng. Ông Toàn lý giải, nếu vay khó thì hoặc là phải chấp nhận lãi suất cao, hoặc một hình thức nữa là chủ đầu tư sẽ tăng giá bán để dùng phần đó trả lãi suất cho ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ tăng lãi suất cho vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay BĐS trung và dài hạn. Lãi suất cho vay BĐS theo đó có khả năng sẽ tăng.
Khả năng thứ hai, vì hệ số rủi ro cho tín dụng BĐS tăng cao từ 150% lên 250% nên buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay BĐS hoặc tăng vốn tự có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho lợi nhuận bị thiệt hại. Vì thế, lãi suất cho vay BĐS trong thời gian tới nếu việc sửa đổi thông tư 36 được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho các nhà kinh doanh và đầu tư BĐS, cả người mua vì giá BĐS có thể sẽ tăng, việc vay vốn ngân hàng sẽ bị hạn chế.