SearchNews

“Không phải ai cũng có thể kinh doanh bất động sản”

20/05/2013 20:49

ĐBQH Trần Du Lịch đã trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 20/5

“Chúng ta phải chấp nhận một thực tế không phải ai cũng có thể kinh doanh bất động sản. Qua đó một bộ phận doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại”.

ĐBQH Trần Du Lịch đã trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 20/5

Một bộ phận không thể tồn tại

NHNN vừa ban hành gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Theo ông gói hỗ trợ này có thấm tháp gì không?

Chúng ta đừng đặt vấn đề như vậy. Vấn đề đặt ra là chúng ta có xài hết số tiền đó không? Bây giờ có hàng đó không? Ví dụ như Hà Nội và TP HCM có sẵn sàng bán ra thị trường loại căn hộ giá mức 1 tỷ đồng đổ lại không? Và người mua có hưởng lợi từ cái đó không?

Vậy theo ông gói tín dụng này có mang lại hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?

Việc làm từng bước như vậy, tôi gọi đó là phương pháp làm ấm dần, kích thích phân khúc thị trường nào có thể bật lên được. Đặc điểm lớn nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng vì cung cầu không gặp nhau, phát triển một cách méo mó.

Điều này có sự khác biệt so với nhiều nước trên thế giới. Khi thị trường đóng băng nhưng họ vẫn còn một bộ phận có sức mua chứ nó không đóng băng hoàn toàn. Việc kích dòng từ chỗ đó sẽ tạo ra sự lan tỏa dần dần.

Nhưng chúng ta đừng nghĩ cứ dùng tiền là có thể làm bật thị trường lại. Chắc hẳn sẽ không có chuyện đó. Anh không thể giải quyết thị trường bất động sản trong vòng một năm, hay nửa năm được.

Quan điểm của tôi ngay từ kỳ họp Quốc hội diễn ra vào cuối năm ngoái, để làm ấm thị trường bất động sản phải làm từng phân khúc để nó có thể lan tỏa dần dần.

Phải chăng đây chính là thời điểm góp phần thanh lọc dần những doanh nghiệp yếu kém, không có thực lực khi tham gia vào thị trường bất động sản?

Tôi cho rằng cái gốc vấn đề vẫn là cái phần nó tự điều chỉnh. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế không phải ai cũng có thể kinh doanh bất động sản. Qua đó một bộ phận doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại.

Nhưng khi “một bộ phận không thể tồn tại” sẽ kéo theo những hệ lụy từ phía ngân hàng?

Nếu các NHTM làm mạnh một số dự án bất động sản đang thế chấp thì chỉ có thể lấy về phát mãi. Trước đây anh định giá 100 tỷ đồng, rồi cho vay 70 tỷ. Bây giờ bán 70 tỷ không được thì anh bán đấu giá 50 tỷ đi. Nếu vẫn không được thì giảm xuống 40 tỷ, 30 tỷ sẽ có người khác mua. Như vậy nó sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường và kéo giá bất động sản đi xuống.

Chứng minh bằng thực tiễn để lấy lại niềm tin

Đối với doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của họ lúc này liệu có phải là vấn đề lãi vay, hay họ đang phải đối mặt với những có khăn lớn hơn khác, thưa ông?

Giờ này năm ngoái cái gốc doanh nghiệp cần là giảm lãi suất cho vay. Nhưng đến thời điểm này, việc giảm lãi suất không còn là “cây đũa thần” nữa.

Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp hiện nay, dù có thể vay với mức lãi suất 8 – 9%/ năm nhưng người ta cũng không vay. Nghĩa là, cái khó khăn lớn nhất lúc này đó chính là cái nghẽn của nền kinh tế không hấp thụ được vốn.

Năm ngoái tôi gọi nợ xấu là “cục máu đông”. Nhưng bây giờ không còn vấn đề nợ xấu nữa mà cái chính là sự suy giảm thị trường, suy giảm đầu tư và niềm tin thị trường.

Vậy điểm mấu chốt để khơi dậy nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lúc này là gì?

Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao khơi dậy được niềm tin thị trường. Muốn vậy chúng ta đừng nên bàn quá nhiều giải pháp, vì chúng ta đã nói nhiều rồi.

Tôi lấy ví dụ vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hàng Nghị quyết 02, nhưng việc triển khai lại chậm làm người ta mất niềm tin. Dù đã có một hệ thống các giải pháp nhưng việc triển khai lại quá chậm.

Thứ hai, chúng ta đã đề ra vấn đề tái cầu trúc. Nhưng nhiều người lại cho rằng đến bây giờ chúng ta chưa tái cấu trúc được cái gì. Như vậy về ngắn hạn còn lình xình, còn trung và dài hạn chưa thấy triển vọng gì thì làm sao lấy niềm tin?

Những cái đã đề ra thì phải làm và phải chứng minh bằng thực tiễn để lấy niềm tin thị trường. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất chứ không nên “đẻ” ra quá nhiều vấn đề nữa.

Xin cảm ơn ông!

Theo infonet

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu