SearchNews

Khu đất đền bù 195 triệu đồng/m2

13/07/2009 13:01

Để thuyết phục người dân “nhường” đất xây trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã nâng mức đền bù từ 42 triệu đồng lên mức kỷ lục 195 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, các hộ dân đang sinh sống tại khu đất “vàng” của Thủ đô vẫn không chấp thuận.

Để thuyết phục người dân “nhường” đất xây trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã nâng mức đền bù từ 42 triệu đồng lên mức kỷ lục 195 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, các hộ dân đang sinh sống tại khu đất “vàng” của Thủ đô vẫn không chấp thuận.

Năm 2004, thành phố Hà Nội quyết thu hồi khu đất tại 25 - 27 Hai Bà Trưng và 22 - 24 Hàng Bài, giao cho Công ty CP kinh doanh và xây dựng nhà (thuộc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) để thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn bị “treo” do gần 30 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất không chấp nhận mức đền bù mà chính quyền và chủ đầu tư đưa ra.

Vênh đến cả trăm triệu đồng một m2

Theo phương án đền bù ban đầu mà UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra, mức giá cao nhất được “áp” là 42 triệu đồng một m2, thấp nhất là 18 triệu đồng. Phương án này đã không nhận được sự đồng tình của các hộ dân, bởi theo họ, đất tại địa điểm 25 - 27 Hai Bà Trưng và 22 - 24 Hàng Bài có giá thực tế lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi m2.

Mới đây, phía chủ đầu tư đã cử đại diện xuống thỏa thuận phương án đền bù, với sự chứng kiến của UBND phường Tràng Tiền. Tại buổi thương lượng này, phía chủ đầu tư thừa nhận, theo mặt bằng chung, giá đất tại phố Hai Bà Trưng là 300 triệu đồng mỗi m2.

Tuy nhiên, áp dụng vào thực tế, hộ bị thu hồi đất chỉ được đền bù 65% số tiền 300 triệu đồng, tức là khoảng 195 triệu đồng với mỗi m2 tầng 1 và 35% đối với tầng 2. Cụ thể, chủ đầu tư đã đề nghị đền bù cho gia đình bà Lê Thị Tề (tầng 2, số 27 Hai Bà Trưng, diện tích khoảng 57m2) với số tiền là 2,7 tỷ đồng, song gia đình bà Tề đã không chấp thuận. Tiếp sau đó, lần lượt các hộ có diện tích đất bị thu hồi đều được mời lên UBND phường Tràng Tiền để chủ đầu tư “thuyết phục”, song không hộ nào đồng ý.

Khi sự việc còn đang nhùng nhằng, ngày 3/6, UBND thành phố Hà Nội lại có quyết định phê duyệt giá đất làm căn cứ bồi thường tại khu đất nói trên với mức giá chung là 66 triệu đồng một m2. Khi biết thông tin này, ông Lê Kiến Thiết, số nhà 25 Hai Bà Trưng, nói: “Chủ đầu tư bảo giá đất ở đây 300 triệu một m2 chúng tôi còn chưa đồng ý, thì với mức 66 triệu đồng, chẳng ai chấp nhận nổi”.

Muốn mua phải thỏa thuận

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, 66 triệu đồng một m2 là mức giá áp dụng theo các quy định của thành phố. “Còn nếu các hộ chấp nhận mức giá thỏa thuận của chủ đầu tư thì chúng tôi rất hoan nghênh. Nếu chủ đầu tư và những hộ bị thu hồi đất thương lượng và thống nhất được với nhau là tốt nhất và thành phố sẽ không can thiệp”. Riêng về mức đền bù 65% (của số tiền 300 triệu đồng một m2) theo đề nghị của chủ đầu tư, ông Hùng cho rằng, mức giá này đã là “cao ngất ngưởng”.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Trung (90 tuổi, ở 22 Hàng Bài), gia đình ông đã sống ở đây hơn nửa thế kỷ, được cấp sổ đỏ từ lâu. “Dự án xây trung tâm thương mại là nhằm mục đích kinh doanh chứ không phải phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hay lợi ích công cộng, không thuộc diện Nhà nước thu hồi. Vì thế, chúng tôi chỉ đồng ý khi chủ đầu tư đưa giá hợp lý”.

Ông Trung cũng cho rằng, chính Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi từng thừa nhận, diện tích đất bị thu hồi nằm ở vị trí đẹp, có khả năng sinh lời cao, địa tô chênh lệch rất lớn giữa giá đất thực tế và giá đất theo quy định của thành phố.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ, khẳng định, về nguyên tắc, thu hồi đất phục vụ dự án nhằm mục đích kinh doanh thương mại phải thỏa thuận đền bù sát giá thị trường. “Vấn đề là người dân phải chứng minh được giá thị trường là bao nhiêu. Người dân có thể thuê Trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính thực hiện việc này”, ông Võ nói.

(Theo Đất Việt)

 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu