Ai cũng thấy quá rõ dấu hiệu lừa đảo, nhưng cơ quan tố tụng nói đây là tranh chấp dân sự, yêu cầu người dân kiện chủ đầu tư ra tòa để đòi quyền lợi. Hậu quả pháp lý là qua mấy năm kiện cáo, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết, người dân không đòi lại được tiền, nhà cũng không được giao, trong khi đó chủ đầu tư “lặn” mất tăm mất tích.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người mua nhà, theo ông Chung phải truy cứu được trách nhiệm hình sự những trường hợp lừa bán nhà mới tạo được sự an toàn, tránh rủi ro cho khách hàng và đặc biệt là tạo được sự răn đe nếu không nhiều doanh nghiệp khác sẽ “lờn” luật.
“Nếu không xử lý hình sự thì doanh nghiệp không sợ, còn để kiện ra tòa thì những trường hợp này muôn đời người dân cũng không đòi được tiền, nhà, hình thức lừa đảo này cứ thế tái diễn vì họ không bị truy cứu trách nhiệm gì cả”, luật sư Chung cho hay.
Trong khi đó theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tại TP.HCM và Đồng Nai đã có doanh nghiệp lừa vài trăm người khi một căn nhà, một nền đất đem bán cho nhiều người. Thủ đoạn của các doanh nghiệp dùng để lừa khách hàng là thay đổi tên dự án, thay đổi tên chủ đầu tư, làm lại quy hoạch 1/500, tăng thêm các tiện ích không có thật, tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau. Nên cần phải kiểm soát chặt nếu không người tiêu dùng sẽ gánh chịu hậu quả rất lớn.
Cũng theo người đứng đầu HoREA, hiện nay một dự án có thể đem thế chấp hai lần, trong khi pháp luật chỉ cho phép thế chấp một lần là thế chấp tài sản hoặc thế chấp quyền tài sản. Nếu một chủ đầu tư đem dự án thế chấp hai lần, nghĩa là đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và thế chấp những căn hộ hình thành trong tương lai đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng. Nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng.
Để tránh rủi ro cho khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, ông Phạm Gia Hòa, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết luật đã quy định một dự án muốn đưa vào kinh doanh phải có sổ đỏ dự án, có giấy phép xây dựng, phải có giấy nghiệm thu hoàn thành xây dựng phần móng tòa nhà. Trước khi bán phải có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, nếu được Sở Xây dựng đồng ý cho bán mới được bán. Điều này góp phần hạn chế rủi ro cho người mua.
"Nhưng làm sao phải đưa những quy định này vào cuộc sống. Bên cạnh đó cần triển khai ngay bảo lãnh của ngân hàng để làm sao chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ của mình, ngân hàng sẽ phải thực hiện bảo lãnh, hoàn tiền lại cho khách hàng. Đó mới là giải pháp căn cơ hạn chế tối đa rủi ro cho người dân. Chứ để như hiện nay nguy cơ người dân bị lừa vẫn rất cao khi quy định đã có nhưng rất nhiều doanh nghiệp “lách” hoặc phớt lờ không thực hiện", ông Hòa cho hay.