Không ít doanh nghiệp chủ động giảm giá tầng 13 từ 5-10% để kích thích khách mua nhà hoặc đặt tên tầng 12b, 14b để giảm nhẹ tâm lý kiêng kỵ con số "thập tam".
Có một thực tế không mấy ngạc nhiên, đó là nhiều trường hợp các tòa nhà trên địa bàn TP HCM không hề xuất hiện con số 13 trong thứ tự các tầng. Một tòa nhà phức hợp cao cấp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 không có tầng 13 hay chung cư trên đường Nguyễn Trường Tộ, quận 4 thang máy chỉ ghi là tầng 12b. Con số 13 đã được chủ đầu tư thay bằng số 12b hoặc 14b để tránh tâm lý ngại mua nhà ở tầng có con số được coi là kém may mắn của khách hàng.
Trong khi đó, một chủ đầu tư là ông trùm bất động sản tại khu Nam Sài Gòn chọn giải pháp nối tầng 12 và 13 thành căn hộ thông tầng nhằm tránh con số nhiều người kiêng kỵ. Để kích thích sức mua, doanh nghiệp chủ động giảm giá những căn thông tầng này (thường có diện tích lớn) đến 12% so với các căn hộ thông thường, tương đương giảm cả triệu đồng mỗi m2.
Cũng nhằm kích thích sức mua và để bán các căn hộ tầng 13 dễ bán hàng hơn, chủ đầu tư của 2 dự án chung cư nằm trên đường Lê Văn Lương, thuộc quận 7 và chung cư ở xã Phú Xuân huyện Nhà Bè đã chủ động giảm giá khoảng 5-10% giá trị căn hộ. Mặc dù biết rõ tầng 13 và tỏ ra ngần ngại con số này nhưng khi được giảm giá 40-50 triệu đồng một căn thì nhiều khách hàng đã xuôi lòng. Bởi với số tiền đó họ có thể lắp đặt các trang thiết bị như salon, tủ lạnh, máy giặt, TV...
|
Nhiều chủ đầu tư vẫn tìm cách tránh nhắc đến con số 13 trong dự án
|
Thực tế, dù muốn hay không, trong giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ vẫn sẽ có trường hợp bắt buộc phải ghi số nhà có con số 13. Bởi theo quy định cấp số nhà cho chung cư cao tầng hiện nay, Phòng Tài nguyên môi trường các địa phương sẽ căn cứ vào thiết kế chi tiết và bản vẽ của tòa nhà để cấp số nhà theo thứ tự, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho hay.
Bên cạnh đó, không phải dự án chung cư nào cũng giảm giá hay thay đổi tên tầng để hút khách vì chủ đầu tư cho rằng đó chỉ thuộc về quan niệm tâm linh, có kiêng có lành. Hơn nữa, dù có thay đổi con số 13 bằng thủ thuật nào đi chăng nữa, khách hàng vẫn biết, chẳng qua là họ có chấp nhận hay không mà thôi.
So với TP.HCM, tại Hà Nội, con số 13 bị nhiều người kiêng kỵ hơn. Điều này đã khiến không ít chủ đầu tư buộc lòng giảm giá căn hộ nhằm kích cầu.
Khảo sát thực tế tại một số dự án ở khu vực Linh Đàm, Ngụy Như Kon Tum, Mỹ Đình giá gốc chủ đầu tư đưa ra tại các căn tầng 13 thường thấp hơn khoảng 500.000 đến một triệu đồng. Mức chênh trên thị trường trao tay cũng giảm khoảng 40-70 triệu đồng mỗi căn, tùy vị trí. Đồng thời, chủ đầu tư cũng chọn cách đánh số 12a, 12b thay vì để tầng 13 để tránh tâm lý kiêng kỵ. Hồ sơ thiết kế, kế hoạch bán dự án đều không nhắc gì đến căn hay tầng 13, con số bị cho là mang lại nhiều rủi ro.
Chị Hoàng Chung, một môi giới tại khu vực Linh Đàm cho hay tại nhiều chung cư, giá căn hộ tầng 13 thường giảm hơn so với các tầng khác. Đơn cử, một dự án bình dân đang hút khách ở khu vực phía Nam Hà Nội, giá gốc chủ đầu tư đưa ra chỉ khoảng 15 triệu đồng mỗi mét vuông, thấp hơn 500.000 đồng so với các tầng khác. Giá chênh tại tầng này cũng khoảng 80 triệu, thay vì 120-140 triệu đồng so với các căn hộ khác.
Theo chị Chung, khách mua căn hộ cũng chia làm hai dạng. Trường hợp người mua để đầu tư khá dễ dãi, trong khi đó khách mua để ở cân nhắc rất kỹ. “Các căn hộ, tầng liên quan đến số 4 (tử), 7 (thất), và 13 thường khá kén đối với những người mua kỹ tính”, chị tiết lộ. Một số người thu nhập thấp, không mê tín vẫn lựa chọn căn hộ tầng 13, tuy nhiên số này không nhiều.
Việc giảm giá hay đổi tên cho tầng 13 vẫn được các chủ đầu tư và người mua nhà nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, về bản chất, căn hộ ở tầng 13 không có gì khác biệt so với tầng 12 và tầng 14. Khách hàng khi đi mua nhà nên quan tâm đến chất lượng công trình, uy tín của chủ đầu, và chọn hướng hợp với mệnh của mình, không nên quá quan trọng vấn đề tâm linh.