Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã đưa ra các dự án "ảo" để tìm cách huy động vốn của người dân. Sau đó, chủ đầu tư ôm tiền mất hút khiến khách hàng khóc dở, mếu dở.
Khách hàng "ăn quả đắng"
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai, khách hàng mua căn hộ tại dự án Chung cư 409 Lĩnh Nam (Hà Nội) cho biết, bà mua căn hộ gần 90m2 ở dự án này với giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Đầu năm 2011, bà đã nộp 30% giá trị căn hộ với gần 470 triệu đồng. Theo hợp đồng, đến quý IV/2013 sẽ bàn giao nhà, nhưng đến nay, dự án vẫn "dậm chân tại chỗ", chỉ là một bãi công trường, không có dấu hiệu thi công. Khách hàng đến hỏi thì chủ đầu tư trả lời loanh quanh, rằng chưa có giấy phép xây dựng, không có tiền và không vay được ngân hàng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư lại vẽ ra viễn cảnh, tháng 10 này tiếp tục xây dựng để vào hợp đồng mua bán nhà, bởi trước đây chỉ là hợp đồng dưới dạng vay vốn…Một dự án gây "nóng sốt" cho thị trường BĐS trong những ngày qua là dự án giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Nhiều khách hàng góp tiền mua nhà dự án này đã tập trung trước trụ sở Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà), để đòi lại số tiền mà công ty này đã huy động trái quy định. Theo đơn tố cáo của các khách hàng, Công ty Hồng Hà đã huy động vốn của gần 200 người với số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng, khi rao bán căn hộ dù chưa được chính thức giao thực hiện dự án.
Trong đó, người nộp ít nhất là 500 triệu đồng và nhiều nhất đến hàng chục tỷ đồng. Vụ việc phức tạp này khiến Công an TP Hà Nội phải vào cuộc làm rõ về hành vi lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thận trọng khi góp vốn
Theo quy định, sau khi khởi công móng, các chủ đầu tư mới được phép huy động vốn, song trên thực tế, lợi dụng sự cả tin cũng như mong muốn được sở hữu một căn hộ của người dân, không ít doanh nghiệp đã "lách luật" thông qua hình thức "góp vốn đầu tư".
Vì lợi nhuận lớn, nên nhiều doanh nghiệp không ngần ngại làm trái luật. Đây cũng là một trong những bất cập, trong khi các quy định của luật pháp chưa rõ ràng khiến người dân dễ bị mắc lừa. Nhiều người đã lâm vào cảnh trắng tay, nhưng vẫn chưa có chế tài nào để xử lý.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), không phải ai đi mua nhà cũng hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật.
Vì vậy, người dân cần phải hết sức tỉnh táo trong việc "góp vốn đầu tư". Đồng thời, các cơ quan quản lý xây dựng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh và yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xây chung cư để bán, phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của khách hành.
Giới luật gia khuyến cáo, khách hàng khi đặt bút ký hợp đồng phải xem xét kỹ lưỡng các văn bản giấy tờ liên quan đến dự án, xem xét kỹ hồ sơ pháp lý của dự án. Không nên thấy rẻ là nộp tiền, tránh hậu quả nhà chưa thấy đâu mà tiền cũng khó đòi lại được. Trong khi, khiếu kiện lại mất rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
(Theo KTĐT)