Không ít các dự án khu chung cư, nhà liền kề, biệt thự ở Hà Nội được triển khai nhưng hoàn thiện xong công trình cũng là lúc hàng hết. Người mua chỉ còn biết ngẩn ngơ, cắn răng chịu khoản chênh có khi lên tới cả tỷ đồng từ môi giới.
Cầm trong tay 4 tỷ đồng, anh Lê Đào (Cầu Giấy) rong ruổi suốt 4 tháng trời vẫn chưa thể mua được một căn hộ ưng ý. Đi làm tại khu vực Cầu Giấy, đích ngắm của anh là khu chung cư Đông Nam Trần Duy Hưng tòa nhà 29T1/25T1. Sẵn sàng chịu mức chênh đến 1,1 tỷ đồng, anh vẫn không thể mua được căn hộ vì nhà không còn mà bán. Anh cho biết, hồi đầu tháng 5, căn hộ rộng 152 m2 khu Trần Duy Hưng có giá chênh khoảng 300 triệu, đến tháng 6 giá chênh đã lên tới 500 triệu và hiện tại lên đến 1,1 tỷ. "Với tốc độ tăng chóng mặt như vậy nhưng suốt 4 tháng nay tôi vẫn chưa thể mua được căn hộ như ý", anh Đào tâm sự.
Không chỉ có chung cư mà các khu liền kề, biệt thự cũng rơi vào tình trạng tương tự, giá nhà đất tăng chóng mặt. Các khu Văn Khê, Văn Phú, làng Việt Kiều châu Âu, Xa La đều phải chịu giá chênh khoảng 20-30 %. Tòa nhà chung cư Hemisco - Xa La mới xây xong phần móng đã được rao bán nhan nhản trên thị trường với giá gốc 13,5 triệu kèm 5 triệu tiền chênh mỗi m2. Tiêu biểu nhất là khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora đang gây sốt trên thị trường. Mặc dù chủ đầu tư chưa công bố giá bán nhưng trên thị trường đã nhan nhản tin “Bán biệt thư Bắc An Khánh diện tích 210 - 330 m2 đã có số ô, số thửa, vị trí đẹp, hợp đồng chính chủ, giá gốc cộng chênh 1,8 tỷ đồng”. Hồi đầu tháng 10, giá chênh của khu này vào khoảng 1 tỷ đến nay đã lên đến gần 2 tỷ.
Theo giới kinh doanh bất động sản, chuyện mua bán căn hộ giá gốc ở thị trường Hà Nội “ chỉ có trong mơ”. Thực tế khi các khu chung cư, liền kề, biệt thự hoàn thiện xong cũng là lúc “hàng hết”. Người mua chỉ còn biết ngẩn ngơ, cắn răng chịu khoản chênh có thể lên đến hàng tỷ đồng từ môi giới. Anh Trần Văn Tiến, một nhà đầu tư thứ cấp cho hay, nhờ có "tay trong", anh đã góp vốn với chủ đầu tư và mua nguyên một sàn gồm 10 suất chung cư tại một khu đô thị ở Hà Đông. Cách đây 4 tháng, giá gốc được đưa ra 1,4 tỷ đến nay anh có thể bán với giá 1,8 tỷ. "Trung bình mỗi tháng lãi đến 100 triệu đồng. Nếu mỗi căn lãi 400 triệu thì 10 căn, tôi sẽ thu về 4 tỷ đồng. Giá đất chắc chắn sẽ còn tăng nên tôi vẫn chưa bán ngay", anh Tiến hồ hởi.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do thị trường Hà Nội không minh bạch, quá trình mua bán diễn ra vòng vèo, chủ đầu tư không công khai thời điểm và giá bán cho mọi đối tượng. Đến khi dự án hoàn thiện xong thì đa phần các căn hộ, liền kề đã bán hết.
Ông Kim Sang Yong - Trưởng phòng PR Công ty liên doanh An Khánh (chủ đầu tư khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora ) khẳng định chưa công bố giá bán, hiện mới chuẩn bị cho chương trình mời góp vốn cho giai đoạn 1. "Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các dự án bất động sản ngày càng khốc liệt, giá bán phải làm sao đảm bảo tính cạnh tranh, hợp lý và được người mua chấp nhận. Do vậy, giá bán của An Khánh phải được xem xét tính toán cẩn thận và cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó", ông Kim chia sẻ.
Trên thực tế, chỉ một số đối tượng có mối quan hệ mật thiết với chủ đầu tư như khách VIP, người góp vốn, nhân viên của công ty mới mua được giá gốc. Bởi trong qua trình góp vốn chủ đầu tư huy động chủ yếu từ ba nguồn này. Đây chính là những người ôm được nhiều hàng. Họ có khả năng mua trọn sàn sau đó tung hàng ra ngoài nên khách hàng thường phải chịu khoản chênh từ hàng chục đến hàng trăm triệu tùy quy mô dự án.
Ông Phạm Thanh Hưng, Tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế Kỷ, lý giải, do nguồn cung thị trường bất động sản Hà Nội ít, nên phần lớn các dự án được đặt mua hết ngay từ lần chào bán đầu tiên. Bởi vậy, thường những người thạo tin, quan tâm tới dự án mới nắm được thông tin và đặt mua ngay từ lúc chào bán lần đầu. Phần nữa, do hành vi mua bất động sản của người dân Hà Nội nghe thông tin qua truyền miệng và thường đắn đo khi dự án mới bắt đầu được chào bán. Đa số khách hàng có tâm lý đợi nhiều người mua rồi mới quyết định làm theo. Điều này dẫn đến trường hợp khách hàng phải mua lại xuất của những người đã đặt mua trước đó.
Giới kinh doanh nhà đất cho rằng, ngoài ra, chính chi phí vô hình như khoản tiền lobby dự án, thủ tục pháp lý... buộc chủ đầu tư chịu áp lực phải xoay dòng tiền lớn. "Chủ đầu tư cũng thích bán buôn để đảm bảo an toàn cho dòng tiền đồng thời đỡ chi phí tiếp thị", ông Hưng nhận định.
Đứng về phía chủ đầu tư, ông Kim cho rằng, những người tham gia góp vốn sẽ chấp nhận đầu tư một cách dài hơi, chấp nhận rủi ro và đương nhiên họ xứng đáng được hưởng thành quả khi đặt niềm tin vào đúng chỗ. Tuy nhiên, để đảm bảo sản phẩm đến với đông đảo nhiều người đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng, số lượng tham gia chương trình góp vốn dự án nằm trong giới hạn nhất định.
Để tránh tình trạng kẻ ăn không hết, người lần không ra, nhiều chủ đầu tư cho rằng, Bộ Xây dựng cần sớm thông qua quy định xét duyệt cho bán một phần bất động sản không qua sàn đối với đối tác tiềm năng. Ông Kim phân tích, trong tương lai, khi tốc độ đầu tư xây dựng các dự án ngày càng nhanh, lượng cầu sẽ nhiều và khách hàng sẽ có đa dạng sự lựa chọn hơn. Bởi thực tế, nếu giá mà các đối tác tiềm năng đưa ra cao hơn của chủ đầu tư thì rõ ràng sản phẩm của họ sẽ không còn tính cạnh tranh. Khách hàng sẽ có những lựa chọn khác hợp lý hơn khi mua trực tiếp từ phần được bán qua sàn của chủ đầu tư. "Bản thân khách hàng này sẽ là những người quyết định việc bỏ ra chi phí bao nhiêu để nhận được sản phẩm tương ứng, đó cũng là quy luật của cạnh tranh và thị trường", ông Kim nói.
(Theo Vnexpress)