Một đề án biến rơm rạ thành nhà ở vừa được tài trợ 200.000 USD để triển khai thí điểm ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu suôn sẻ, đề án không chỉ giúp nông dân có cơ hội mua nhà giá rẻ mà còn hạn chế việc đốt rơm, bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Minh Quyền, tác giả của đề án trên cho biết, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và Công ty Vinh Sang triển khai xây dựng nhà máy chế biến ván ép từ rơm rạ tại đây. "Sẽ có 55 căn nhà mẫu được làm từ nguyên liệu ván ép này. Số nhà này sẽ được trưng bày ở các vùng nông thôn để người nông dân trực tiếp đánh giá chất lượng và góp ý mẫu mã. Sau đó sẽ được sản xuất hàng loạt bán ra thị trường", anh Quyền nói. Những kiểu nhà này được làm theo hình thức lắp ráp, đúng với tiêu chuẩn của châu Âu, nên thời gian xây nhà sẽ không mất nhiều, chỉ khoảng 4-5 ngày. Vách nhà dày bằng một viên gạch. Dự kiến 55 căn nhà mẫu sẽ hoàn thành sau một năm thực hiện. Trung bình một ngôi nhà sẽ có tuổi thọ từ 50 đến 60 năm.
Các tiêu chuẩn an toàn liên quan như khả năng chịu lực, chống cháy, xử lý nhiệt đều có chứng nhận của cơ quan chức năng. Mẫu nhà cũng rất đa dạng, đẹp mắt (nhà trệt, nhà lầu, biệt thự, villa). Giá bán cụ thể tuỳ thuộc vào diện tích, kiến trúc, trang trí nội thất mà người mua yêu cầu nhưng hứa hẹn chỉ bằng một phần tư giá nhà xây bằng xi măng.
"Nếu làm bình thường, không cầu kỳ, diện tích chừng 40 m2, có phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp thì ước tính giá sẽ khoảng 40 triệu đồng", anh Quyền nhẩm tính. Phương thức mua bán nhà dự kiến cũng sẽ rất linh động để giúp người nông dân có điều kiện cải thiện nơi ở của mình. Với những người không có tiền để mua nhà, công ty sẽ có phương thức cho trả góp bằng rơm rạ. Họ sẽ ký hợp đồng cung cấp định kỳ rơm đúng chất lượng, số lượng với công ty. Tiền bán rơm sẽ được trừ dần vào tiền mua nhà. Giá bán rơm sẽ theo giá thị trường.
Tổ chức quốc tế đăng ký xây nhà bằng các bó rơm cho biết hiện trên toàn nước Mỹ có 538 dự án xây nhà bằng rơm rạ được đăng ký, trong đó riêng tại khu vực xung quanh thủ đô Washington có một vài dự án đã hoàn thành. Xây nhà, trường học, thậm chí công sở với các bức tường bằng rơm rạ được nhận xét là vừa không bị thấm nước, chống cháy, bảo toàn được năng lượng bên trong và vừa có thể chống giông bão, hữu ích cho môi trường.
Một số chuyên gia thiết kế xác định việc sử dụng rơm rạ làm vật liệu xây nhà là “lý tưởng trong chủ trương xây dựng các toà nhà xanh”, bởi xử lý được một khối lượng chất thải khổng lồ trong nông nghiệp và góp phần tiết kiệm năng lượng cho xã hội. Hiện công nhân bang Virginia đang sắp hoàn thành các dự án xây dựng một khu nhà ở Bowie và một ngôi trường ở khu công viên College với vật liệu là hàng nghìn bó rơm rạ và vôi vữa. | |
Theo kết quả nghiên cứu của đề án, trong khí gas thải ra từ đốt rơm rạ có chứa 70% khí CO2 và 7% khí CO nên rất có hại cho môi trường. Việc triển khai đề án vì vậy không những hạn chế tình trạng đốt rơm mà còn tác động tích cực đến vấn nạn phá rừng lấy gỗ làm ván dựng nhà. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân từ việc thu mua, bán rơm cho công ty, “Hiện đã có đề nghị bao tiêu sản phẩm của một đối tác nước ngoài. Tuy nhiên định hướng phát triển của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu trong nước trước. Xong rồi mới tính đến chuyện xuất khẩu bởi đây là đề án không vì mục tiêu kinh doanh mà mang tính xã hội, vì người nông dân, xuất phát từ thực tế ở nông thôn nước ta", anh Quyền tâm sự. Cũng theo anh Quyền, sắp tới đây công ty sẽ liên hệ với cơ quan phòng chống bão lụt để phối hợp triển khai nhà tái định cư khẩn cấp cho người dân vùng lũ lụt.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Quyền, Viện Vật liệu Xây dựng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), rơm rạ đã được áp dụng trên thế giới và kết luận sử dụng tốt. Tuy nhiên quá trình sản xuất ra loại vật liệu này còn tuỳ thuộc rất lớn vào loại chất kết dính, phương pháp sơ chế loại bỏ hoàn toàn chất xenlulo (chất có thể dùng sản xuất cồn nhiên liệu) có trong rơm rạ. Ngoài ra phải bảo đảm tiêu chuẩn chống thấm, các chỉ số về cường độ nén, cứng, vững... "Sản xuất vật liệu bằng rơm rạ giúp tận dụng được nguồn phế thải ở nông thôn đồng thời bảo vệ môi trường. Đây là một ứng dụng tốt cần được nghiên cứu kỹ để triển khai. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh đây không phải là loại vật liệu siêu đẳng lần đầu tiên xuất hiện mà là loại vật liệu phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam", ông Quyền lưu ý.
(Theo SGTT)