Dù vẫn còn nhiều khó khăn, song theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường, năm 2013 được đánh giá là năm nhộn nhịp nhất trong vòng 5 năm qua của thị trường bất động sản TP. HCM với sự sôi động trên hầu hết phân khúc, đặc biệt là phân khúc thị trường căn hộ bình dân.
Báo cáo của Công ty Savills cho biết, tỷ lệ hấp thụ của căn hộ bình dân chiếm 70% trên tổng số 5.800 giao dịch thành công cả năm 2013. Các yếu tố chính góp phần giúp thanh khoản căn hộ bình dân tăng cao là cam kết tiến độ xây dựng, danh tiếng chủ đầu tư, các kênh phân phối hiệu quả và hỗ trợ tài chính của chủ đầu tư cũng như ngân hàng.
Cũng theo Savills, lượng kiều hối chảy vào Việt Nam năm 2013 tăng 6% so với năm 2012, đạt 10,6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ là nguồn vốn lớn cho thị trường nhà ở trong thời gian tới.
Còn theo Công ty CBRE, dù nguồn cung trên thị trường sơ cấp tăng cao, nhưng lượng giao dịch cũng cải thiện so với cùng kỳ. Hầu hết giao dịch thành công thuộc phân khúc bình dân.
“Điểm đáng chú ý nhất của thị trường trong năm qua so với các năm trước là sự năng động của các chủ dự án trong việc khẳng định uy tín của mình. Không như 3 năm trước, các chủ đầu tư hiện nay đã chú trọng đến quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút khách hàng. Các chủ đầu tư không những tổ chức sự kiện mở bán dự án, mà tổ chức sự kiện cả khi động thổ, hoàn thành dự án, hay thậm chí khai trương nhà mẫu”, bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn Công ty CBRE đánh giá, đồng thời cho rằng, giao dịch phân khúc bình dân cải thiện do tác động của nhiều yếu tố, một trong số đó là giá đã “mềm” hơn, chỉ còn trung bình khoảng 13 triệu đồng/m2.
Vẫn theo CBRE, càng về cuối năm 2013, thị trường căn hộ ở TP. HCM càng có tín hiệu khởi sắc. Chỉ tính riêng trong quý IV/2013, TP. HCM ghi nhận có 2.702 căn hộ chào bán, tăng 70,5% so với quý trước và 203,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Như vậy, cả năm 2013 ghi nhận 6.114 căn hộ chào bán thành công, tăng 83,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường tăng cao là do niềm tin của chủ đầu tư và người mua vào sự phục hồi của thị trường đang dần được củng cố.
Ở phân khúc thị trường văn phòng, giá thuê trung bình hạng A và B đều tăng, cùng với tỷ lệ trống trên toàn thị trường tiếp tục giảm. CBRE cho biết, khách thuê có nhu cầu gia hạn/ký mới hợp đồng thuê, chuyển hay mở rộng văn phòng chiếm 62%, khách thuê mới ít hơn với 38%, nhưng con số này vẫn cao hơn rất nhiều mức 5% của năm 2012.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định: “Nguyên nhân chính trong việc chuyển, hợp nhất văn phòng của các DN chủ yếu vẫn đến từ việc DN đang cố gắng cắt giảm chi phí thuê văn phòng. Bên cạnh đó, một số khách thuê tận dụng cơ hội giá thuê giảm để nâng cấp văn phòng, chuyển tới văn phòng tốt hơn, nhưng chi phí thuê vẫn không thay đổi, hoặc trong một số trường hợp chi phí còn thấp hơn”.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, những tín hiệu khả quan trong giai đoạn cuối năm 2013 sẽ là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản năm 2014.
Năm 2014 này, nền kinh tế dự báo sẽ được cải thiện, nợ xấu ngân hàng và tiến trình tái cơ cấu DNNN vẫn sẽ tiếp tục là thách thức lớn, nhưng sẽ có chuyển biến tốt hơn. Lạm phát sẽ tiếp tục ở trong mức kiểm soát và tiền đồng dự báo ổn định. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn, là thị trường nhập khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam cũng đang trên đà phục hồi, giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh và trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Ông Marc Townsend cho rằng, điểm nhấn trong năm 2014 là sự động bộ về phát triển hạ tầng, những DN nào có quỹ đất sẽ có nhiều cơ hội phát triển và phân khúc căn hộ bình dân vẫn sẽ là phân khúc chủ đạo của thị trường.
Theo ĐTCK