SearchNews

Ngân hàng đẩy mạnh bảo lãnh thanh toán BĐS

10/12/2014 09:05

Ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ bảo lãnh thanh toán vì việc này rất có lợi cho thị trường BĐS. Khi đó, ngân hàng sẽ là đơn vị chính giám sát thực hiện các dự án trên phương diện hiệu quả, tiến độ, vốn...

Ngân hàng đẩy mạnh bảo lãnh thanh toán BĐS.
Ngân hàng đẩy mạnh bảo lãnh thanh toán BĐS.

"Cẩn trọng" trong hỗ trợ chủ đầu tư

Đánh giá về mặt bằng chung của thị trường bất động sản (BĐS), ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group cho biết, giao dịch và thanh khoản trên thị trường BĐS đã được cải thiện, thị trường tăng trưởng trở lại với những biểu hiện cụ thể như: Từ giữa tháng 4/2014 đến nay, một số dự án điều chỉnh tăng giá bán từ 5-10% so với đầu năm mà vẫn "hút" khách, số lượng giao dịch đã tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ về yếu tố làm nên sự thay đổi của thị trường, một lãnh đạo BIDV cho biết, ngoài những thay đổi tích cực của chu kỳ vận động tất yếu, nền kinh tế và tâm lý khách hàng... còn xuất phát từ yếu tố nội tại bản thân chủ đầu tư. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư không còn thụ động chờ nguồn vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án mà đã có những cách làm mới, chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh.

Đơn cử như dự án Thành phố sinh thái Năm Sao mà BIDVhỗ trợ tài chính, dự kiến tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu mất khoảng 380 triệu USD, BIDV chỉ giải ngân một phần (khoảng 600 tỷ đồng). Khi đó, chủ đầu tư phải bỏ phần vốn đối ứng để xây dựng cơ sở hạ tầng dự án, khi đã hoàn thiện được phần cốt lõi ngân hàng mới hỗ trợ giải ngân cho các hạng mục còn lại.

Ông Đỗ Hoàng Dương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năm Sao chia sẻ: “Chủ đầu tư phải có tiềm lực về tài chính và rõ ràng nguồn thu thì ngân hàng mới đồng hành đến cùng. Với dự án Thành phố sinh thái Năm Sao, chúng tôi phải đầu tư xây dựng hạ tầng và một số trung tâm giải trí với chi phí 20 tỷ đồng, ngân hàng chỉ giải ngân khi dự án có một số hạng mục đã được định hình…”.

Ngoài việc hỗ trợ tài chính cho chủ đầu tư, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính cho người mua. Ví dụ, ngân hàng thực hiện chính sách cho phép mua trả chậm, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh thanh toán, áp dụng chính sách tín dụng dự phòng...

Trong nhiều trường hợp, thu nhập của người mua bất thường bị hụt, ngân hàng sẽ là đơn vị đứng ra bảo lãnh. Hay trong quá trình giao dịch, người mua chưa đủ niềm tin đặt vào chủ đầu tư, lúc này họ hoàn toàn có thể nộp tiền vào ngân hàng như một đối tác trung gian. Lúc này, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm theo sát chủ đầu tư và chỉ giải ngân khi tiến độ chạy… Với cách làm này, vòng quay vốn sẽ nhanh chóng, liên tục, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của cả ngân hàng và chủ đầu tư.

Đẩy mạnh bảo lãnh thanh toán

Nhu cầu về nhà ở của người dân hiện rất lớn. Song không phải ai cũng đủ vốn tích lũy để sở hữu nhà. Do đó, quyết định hỗ trợ tài chính thông qua chủ đầu tư để khách hàng có thể sở hữu nhà là cách làm hay.

Theo Tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ, ở góc độ nào đó, cách làm này còn thúc đẩy người mua nhà phấn đấu để sở hữu nhà. Về phía chủ đầu tư giải thì quyết được vấn đề chậm giao dịch, giảm thiểu chi phí hao tổn, hoang hóa xuống cấp khi không được hoàn thiện đầy đủ; mở rộng, đa dạng thêm đối tượng khách hàng, nhất là với những loại hình BĐS có giá trị lớn.

Tổng giám đốc Sacombank, Ông Phan Duy Khang cho biết, sở dĩ ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ bảo lãnh thanh toán vì việc này rất có lợi cho thị trường BĐS. Cụ thể, ngân hàng sẽ là đơn vị chính giám sát thực hiện các dự án trên phương diện hiệu quả, tiến độ, vốn. Đồng thời cân đối nguồn, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn khoản vay cho các dự án, có các biện pháp xử lý khắc phục rủi ro về nguồn thu nhập và biến động lãi suất vay.

Hiện ngân hàng đang xem xét phương án hợp tác theo hình thức: doanh nghiệp tham gia bảo lãnh đạt kết quả tốt, số khách hàng cá nhân tiếp cận được với gói tài chính vay mua nhà tăng. Ngoài ra, để thúc đẩy sự hợp tác, các ngân hàng cho biết đang hạ mức phí bảo lãnh vay… đối với những chủ đầu tư dự án có tiềm lực tốt.

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung cho biết, nhằm hạn chế các thủ tục hành chính khi tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, có nhiều chủ đầu tư muốn được đứng ra làm đầu mối bảo lãnh cho khách hàng của họ. Ngân hàng rất khuyến khích việc chủ đầu tư vừa là người vay, vừa đứng ra bảo lãnh cho người vay vốn mua nhà. “Việc làm phù hợp với quy định cấp tín dụng, giúp tập trung đầu mối, tăng thanh khoản căn hộ. Tuy nhiên, để có thể bảo lãnh cho khách hàng, chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính, điều kiện và ngân hàng sẽ giám sát chặt tài chính của cả 2 phía”, ông Trung nói thêm.

Đánh giá về xu hướng này, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, mặc dù thị trường BĐS hiện diễn biến rất khó lường, nhưng các NH chủ động bảo lãnh thanh toán là điều nên làm. “Thời điểm này các ngân hàng nên đầu tư, tập trung vào những nội dung cơ bản và lâu dài để tạo lập một thị trường BĐS phát triển bền vững. Cố gắng giải quyết được những hạn chế vốn có của thị trường để không bị các bên tham gia lợi dụng nhằm giảm rủi ro nợ xấu, đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi của người có nhu cầu về nhà ở”, ông Minh chia sẻ.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu