Theo ước tính của Bộ Xây dựng, trong 7 tháng đầu năm, cả nước sản xuất được 28,75 triệu tấn xi măng, tiêu thụ được 28,42 triệu tấn, đạt khoảng 52% kế hoạch cả năm.
Trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của thời tiết, tiêu thụ xi măng có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm 2011 đến nay.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ trong tháng 3 và tháng 4 vào khoảng 5 triệu tấn. Đến tháng 5, cả nước chỉ tiêu thụ được khoảng 4,6 triệu tấn, đồng thời tiếp tục giảm xuống còn 3,83 triệu tấn trong tháng 6 và 3,45 triệu tấn trong tháng 7. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng cho biết, lượng tồn kho của Tổng công ty trong tháng 7 đã tăng 20%, lên mức 1,62 triệu tấn so với tháng trước.
Trong thời gian qua, chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm đầu tư công đã hạn chế đầu tư vào bất động sản, xây dựng. Do đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng sụt giảm đáng kể. Điều này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình hình chi phí đầu vào tăng cao. Ví dụ như than đá, xăng dầu, điện, vỏ bao… đều tăng giá.
Bên cạnh đó, gánh nặng nợ vay để đầu tư vào nhà máy, trạm nghiền mới của một số công ty trong ngành như Hà Tiên 1 (HOSE: HT1), Bút Sơn (HNX: BTS), Bỉm Sơn (HNX: BCC) tương đối lớn. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cao trong những tháng đầu năm đã khiến cho chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong ngành tăng mạnh. Trong đó, nợ vay bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng khá lớn, nên ngoài chi phí lãi, các doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn khi VND mất giá.
Kết quả là bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngành xi măng khá u ám. Ví dụ như Hà Tiên 1 và Bỉm Sơn lỗ khoảng trên 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, Tam Điệp lỗ 13 tỷ đồng. Cùng thời điểm đó, lợi nhuận của một số doanh nghiệp khác giảm mạnh. Đơn cử như lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2011 của Bút Sơn giảm còn 2,76 tỷ đồng, từ mức 55 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Thông thường, bước vào quý IV, nhu cầu tiêu thụ xi măng thường tăng cao hơn các quý khác trong năm. Bên cạnh đó, trong trường hợp khả quan nhất, nếu Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản, thì cũng kích thích nhu cầu sử dụng xi măng của thị trường xây lắp.
Tuy nhiên, nhu cầu xi măng và các vật liệu xây dựng khác vẫn khó có sự thay đổi đáng kể trong những tháng cuối năm nay. Bởi vì thị trường bất động sản, xây dựng cần nhiều thời gian hơn để hồi phục trở lại. Với mức lạm phát cao như hiện nay, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm về mức hợp lý, đồng thời tỷ giá có thể có nhiều biến động vào dịp cuối năm. Do đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng vẫn khó có thể cải thiện đáng kể từ nay đến cuối năm 2011.
(Theo ĐTCK)