Đến thời điểm thị trường trầm lắng, khi chủ đầu tư bàn giao nhà thì người mua lại “không thèm” đến nhận.
Vài năm trước, thời BĐS còn “sốt”, người ta chen nhau mua nhà mỗi khi có dự án được công bố bán ra thị trường và luôn đòi hỏi chủ đầu tư bàn giao nhà theo đúng tiến độ cam kết. Tuy nhiên, đến thời điểm thị trường trầm lắng, khi chủ đầu tư bàn giao nhà thì người mua lại “không thèm” đến nhận. Nguyên nhân và hệ quả của hiện trạng này có nhiều điều đáng bàn.
Từ đầu năm, có rất nhiều dự án BĐS bị dừng hoặc chậm triển khai theo tiến độ. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thị trường địa ốc lao đốc không phanh, giá nguyên vật liệu xây dựng, chi phí nhân công vẫn ở mức vượt ngưỡng chịu đựng của DN trong thời gian khó. Và mọi việc được đẩy lên đỉnh điểm khi tháng 8 vừa qua chứng kiến việc chủ đầu tư “cực chẳng đã” phải tuyên bố sẽ bán phá giá, bán thanh lý các căn hộ mà người mua không đến nộp tiền đợt cuối và nhận bàn giao nhà. Đó là trường hợp của Cty CP Tập đoàn FLC đối với những thượng đế đã và đang giao dịch mua căn hộ dự án FLC Landmark Tower.
Cụ thể, theo thông tin từ chủ đầu tư, tính tới thời điểm tuần cuối cùng tháng 8/2012, mới chỉ có khoảng 20% khách hàng tới đóng tiền đợt cuối và nhận căn hộ. Điều đáng ghi nhận chính là, đại diện chủ đầu tư đã tỏ ra rất thiện chí với tinh thần thông cảm và xây dựng khi thừa nhận: lý do chính khiến người mua “tháo chạy” khỏi dự án chính là khó khăn tài chính và DN đã ký hợp đồng hợp tác với một số ngân hàng để hỗ trợ tín dụng cho khách mua đang “bí” tiền. Trong trường hợp này, chủ đầu tư cũng không loại trừ có khả năng một bộ phận không nhỏ trong lượng khách hàng gửi đơn xin hoãn đóng tiền nhận nhà là giới đầu cơ.
Thực tế, tòa nhà FLC Landmark Tower tại số 5 đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, HN đã hoàn thiện và quá thời điểm bàn giao căn hộ, tuy nhiên thay cho những vị khách đến đóng tiền đợt cuối để nhận căn hộ lại là những lá đơn tới tấp xin hoãn thời điểm bàn giao. Hầu hết lý do khách hàng đưa ra là chưa thu xếp được tiền nhà đợt cuối (!). Chủ đầu tư không chấp nhận và tuyên bố sẽ mạnh tay thanh lý những căn hộ không người nhận nếu quá 30 ngày từ thời hạn giao nhà.
Thu xong tiền của mình, còn bao nhiêu mới trả cho khách bởi bản thân FLC cũng đang ngồi trên đống lửa khi tổng số tiền khách nợ lên đến hơn 200 tỷ đồng, mỗi tháng FLC phải trả lãi ngân hàng 4 tỷ đồng chưa kể đến những khó khăn và áp lực khác từ phía các nhà thầu và ngân hàng.
Chủ đầu tư đã 3 lần gửi công văn tới những khách hàng không tới nhận nhà và thanh toán đợt cuối – đáp lại chỉ là những lá đơn chung nội dung “khó khăn về tài chính, xin chủ đầu tư dãn tiến độ nộp tiền và giao nhà..” từ phía người mua. Nhưng chủ đầu tư cho rằng điều này là không thể vì nhà đã hoàn thiện và những chi phí mà chủ đầu tư phải gánh chịu. Sự việc này chưa từng có tiền lệ khi chậm tiến độ bàn giao nhà là câu chuyện phổ biến từ trước tới nay của thị trường BĐS. Và FLC không thể lường trước những tình huống này nên điều khách hàng mong muốn không thể thành hiện thực. Do đó, DN buộc phải làm đúng luật (theo hợp đồng đã ký với khách hàng) và phần chậm chạp đóng tiền của khách hàng trở thành nợ phải thu.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, một thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS là dòng vốn còn rất lớn và tiềm năng ở mọi phân khúc. Rõ ràng cả chủ đầu tư và nhà đầu tư có cả nhiệt tình và tiềm lực để tham gia vào thị trường nhưng việc chưa biết rót vốn vào đâu cho hiệu quả - thể hiện sự đầu tư thiếu chuyên nghiệp. Sự thật là thị trường BĐS còn nghèo loại hình để đầu tư và cái đang được chào bán rầm rộ lại không phải là cái khách hàng mong muốn. Một khảo sát các nhà đầu tư mới đây của Savills Việt Nam cho thấy hiện đang tồn tại nhu cầu đầu tư của các cá nhân vào BĐS.
Có những người đầu cơ cũ “ra vào” hợp lý nên vẫn có khả năng nhập cuộc trở lại. Mức giá địa ốc lúc này cũng đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư mới và nhà đầu tư dài hạn. Những người có nhu cầu mua BĐS để ở cũng đang nghe ngóng giá đã chạm đáy thực hay chưa để hiện thực hóa dự định của mình. Tức là nhu cầu mua BĐS là rất thực và lúc nào cũng có. Mọi yếu tố tham gia vào thị trường đều đang ở thế quan sát, dè chừng nhau – dẫn tới mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy làm.
Nhiều người cho rằng sự việc nêu trong bài viết có vẻ như ngược đời. Vì thường chỉ có người mua nhà, khách hàng mới đi đòi quyền lợi hợp pháp của mình (nhận nhà đúng tiến độ). Nhưng theo những người am hiểu sâu về địa ốc, thì đây là hệ quả tất yếu từ những nhược điểm của thị trường BĐS nói chung và BĐS Hà Nội nói riêng. Đó là thị trường phát triển thiếu bền vững, giá bị đẩy lên quá cao, ngoài khả năng của người có nhu cầu thực. Khi thị trường sốt nóng, người mua là những người đầu cơ, mua đi bán lại. Đến lúc trầm lắng, nguồn vốn cho BĐS eo hẹp, khả năng thanh khoản để kiếm lời của giới đầu cơ không còn, thì những căn hộ họ trót ôm trở thành những món nợ khó giải tỏa. Và việc họ chưa muốn nhận nhà, chưa muốn thanh toán nốt tiền cho chủ đầu tư trở thành lẽ đương nhiên.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội
Việc khách hàng không tới đóng tiền và nhận nhà theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư cho thấy cần xem lại văn hóa giao dịch giữa khách hàng và chủ đầu tư. Cư xử của khách hàng làm ảnh hưởng tới tài chính của chủ đầu tư thông qua việc vi phạm hợp đồng. Điều này còn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong cách thức kinh doanh của không ít nhà đầu tư thứ phát. Nhu cầu đầu tư, mua nhà rồi bán để sinh lời là nhu cầu dễ hiểu của nhà đầu tư. Nhưng việc dự đoán sai diễn biến của thị trường đã khiến người đầu tư nghiệp dư không đủ khả năng đóng tiền tiếp cho chủ đầu tư và vi phạm hợp đồng. Vấn đề thưởng phạt trong hợp đồng ký kết giữa khách hàng – chủ đầu tư cũng cần được rõ ràng hơn với các chế tài cụ thể. Khi xảy ra bên nào vi phạm thì sẽ dễ dàng đủ cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc.
(Theo Báo Xây dựng)